Sân chơi của lãng du

Tuesday, June 29, 2004

Không cứ gì vùng đất ở lâu mới làm mình hoài tưởng. Những vùng đất một lần tìm đến, thậm chí những vùng đất chưa từng đến vẫn là nguồn của luyến thương. Đó là vùng đất của quê cha, quê mẹ, của ấu thơ, của hẹn hò. Vùng đất nơi người mình yêu, nơi người yêu mình nhắc đến. Như tiếng nhạc nào đó mình khẽ: "nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ .." Rồi cứ vậy mà thèm nhắm mắt hoài cho hương quá khứ đọng lời an ủi. Thành phố của chiều, thành phố của đêm, thành phố của tôi, của người. Dẫu dị biệt nhưng sao tôi, người cảm nhận như nhau. Đời sống xô người xô tôi để chúng ta đọng về một phía. Hai đường thẳng song song chẳng gặp nhau nhưng đã theo nhau về cuối trời. Nơi đó sự so sánh, xếp loại đã không còn. Nơi đó là điểm của niềm vui tao phùng. Trong trí nhớ phai dần theo thời gian vẫn lõm bõm đọng lại bài ca của một người viết cho vùng đất mà tôi còn lưu luyến. Hãy cùng tôi ca theo điệu của bài nhạc "Anh hậu phương, Em tiền tuyến":
"đây Cà Tom rừng âm u hẻo lánh,
Tánh Linh vắng nhân tình,
Duy Cần xa vắng đìu hiu
kìa cầu Loăng Quăng hắt hiu trên niềm nhớ
soi núi Ông khói hoàng hôn
..."
Hai đường thẳng song song sẽ không bao giờ gặp nhau nhưng chúng mãi mãi bên nhau. Hãy nghĩ như vậy cho những vùng đất rời xa trở thành những vùng đất trong tim.

Monday, June 28, 2004

Phố chật có đến những hai tiệm ăn Việt trên cả ngàn tiệm ăn khác (tính luôn những tiệm fast food, đương nhiên!).

Tiệm thứ nhất chuyên bán phở. Tiệm này tương đối ít khách nhưng lúc nào cũng có vài chiếc xe đậu cạnh xe của người chủ. Ông chủ rất bận vì không những làm chủ mà thỉnh thoảng kiêm luôn người làm, kiêm luôn đầu bếp, đôi lúc thành người chùi dọn bàn. Khi khách vào gặp ông chủ là trăm lần như một ông khẽ nụ cười chào, vắt chiếc khăn lúc dùng đập ruồi lúc chùi bàn vào cổ rồi vội vã vô bếp bốc phở chan nước lèo.

Tiệm thứ nhì bán nhiều món ăn. Tuy vậy tiệm này vẫn cố vươn thêm món phở cho đủ tinh thần dân tộc. Món phở khi mặn, khi nhạt. Đôi khi mặn nhạt nối nhau bằng sợi phở cái dừ cái dai, cái lớn cái nhỏ, cái dài cái ngắn, cái trong cái đục. Những món ăn khác của tiệm này khi so với phở thì phở vẫn luôn là món ăn "dễ chịu" nhất, cũng trong tinh thần dân tộc.

Cả hai tiệm về lượng chỉ chênh một chút nhưng phẩm thì giống hệt nhau. Nghĩa là "khách vào cửa lóng ngóng chờ .. chợt một người đột ngột xuất hiện từ của bếp giơ tay vẫy chỉ vào một trong những nhiều bàn còn trống. Khách tự dẫn mình len qua từng cái nhìn của khách đến trước vào bàn ngồi mà chờ. Một lúc có người chạy ra quăng lên bàn vài thực đơn rồi lẳng lặng bỏ đi. Bẵng đi hồi lâu ngay lúc mình không ngờ nhất chợt người xưa lại xuất hiện với cuốn sổ nhỏ lạnh lùng hỏi vài câu để lặng lẽ bỏ đi. Đợi thêm một chặng nữa rồi cuối cùng xuất hiện người khác mặt hầm hầm đưa đồ ăn đến. Rồi, như người trước, cũng lặng lẽ quay gót. Khách biết thân ăn xong bỏ tiền tip rồi tự mình đứng dậy đến quầy tính tiền để ra về trong âm thầm; chẳng lời cảm ơn, chẳng lời từ biệt". So với những tiệm khác qua từng nụ cười niềm mở của người hầu bàn, của người tính tiền với câu cảm ơn và lời mời hãy trở lại thì hai tiệm Việt này vẫn giữ được phong tục đáng thương (và đáng yêu) trên đất người.

Vậy mà, những người Việt làm cùng sở hễ có dịp đi chung ra ngoài ăn trưa, là cứ bảo, "Thôi! đi ăn phở .. Đi tiệm nào?". Cũng trong tinh thần dân tộc, tôi lặng lẽ xung phong làm tài xế, hễ ngày chẵn đến tiệm này, ngày lẻ, đến tiệm kia.

Saturday, June 26, 2004

bữa nay tình cờ vào link này. Không có ý quảng cáo .. Kỹ thuật cao. Cao hơn kỳ những người Âu châu đến cho không đèn bão rồi sau đó bán dầu với gía cao

Monday, June 14, 2004

Phố chật càng ngày càng thêm shopping, văn phòng, nhà ở, ...Vậy mà vẫn chưa đủ .. Để lấy thêm chỗ nhiều khu rừng đã bị bánh xe máy ủi gom vào làm mồi cho lửa. Khu rừng nào may mắn thì theo bước thời gian càng ngày càng bị xén nhỏ.

Để bù cho lũ cây nằm xuống, người ta trồng lại bằng những cây thành phố chỉ định. Thế là đám maple, oak, birch, .. từ từ chiếm hầu hết những khoảnh đất làm thành cảnh quen. Nhất là loại Crape Myrtle. Loại này được trồng không thiếu chỗ nào. Đến hè những cây này thi nhau nở rực nhiều hoa mầu lả lơi cạnh những con bọ Japanese beetles bay lượn. Trong rộn ràng của đám Crape Myrtle, trong cái nóng ngày hè, trong ven rừng còn sót lại cạnh con đường tôi đi, có từng gốc Mimosa trở mình đơm bông. Mầu hoa Mimosa của năm nay vẫn tươi nhưng sắc như đã sụt đi một phần. Có lẽ vài tháng thiếu mưa cộng thêm từng mảnh đất chứa hơi ẩm mất dần đã tạo ảnh hưởng chăng?

Nếu không có những nhành hoa vươn trên khoảng vắng thì người ta khó thể nào nhận ra vì phần lớn Mimosa ở phố chật đều mọc hoang. Có người cho rằng Mimosa là loại hoa buồn; Tôi không nghĩ vậy. Trong ngôn ngữ loài hoa, có người biên Mimosa là "chúc bạn bình an", có người viết Mimosa là "Tình yêu mới chớm nở"; Tôi cũng không hoàn toàn đồng ý. Nhưng thôi, đã làm kiếp hoa thì có sao cũng vẫn khoe sắc. Hoa Mimosa bên phố chật riêng tôi lúc nào cũng theo gió đong đưa như thầm thì "anh ơi! em vẫn còn đây".

Thursday, June 10, 2004

Vuông chiếu LH có trang viết về tiểu sử của những nhà thơ văn họa nhạc sĩ cùng điêu khắc gia. Nhưng (lại nhưng) không có trang viết về tiểu sử của ca sĩ. Có lẽ, cõi bao la của internet đã có trang(s) nói đến ca sĩ chăng? Quả đúng như vậy. Hãy vào Phố Xưa để xem. Và nếu không ngại sợ quá khứ làm mình bâng khuâng thì Phố Xưa với tạp ghi "vang bóng một thời" sẽ đưa tâm tư về thăm lại kỷ niệm của những ngày xưa, thân ái.

Wednesday, June 9, 2004

ở đây có câu: "sự khác biệt giữa con trai và đàn ông là giá trị món đồ chơi". Có thể hiểu theo một trong những nghĩa đen là nam tính không lớn "khôn" được, vì quanh quẩn lo chơi. Trong khi phái nữ, chưa đọc thấy có những ví von như vậy.

Hiểu sao thì hiểu, thỉnh thoảng vẫn thấy thích mình bé lại cho bớt lo, nghĩ. Cho tìm lại hồn nhiên trong tranh sống. Cho thêm bóng mát nơi tạm dừng. Cho dẫu đời níu/kéo, hãy "đừng mang gươm giáo vào với đời". Bài 'tự tình khúc' đã nói dùm tôi hết những cảm xúc của hôm nay.

Tự Tình Khúc
nhạc: Trịnh Công Sơn

Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà
chờ xem thế kỷ tàn phai

Tôi như trẻ nhỏ tìm nơi nương tựa
mà sao vẫn cứ lạc loài.

Tôi như là người lạc trong đô thị
một hôm đi về biển khơi

Tôi như là người một hôm quay lại
vì nghe sa mạc nối dài

Đừng nghe tôi nói lời tăm tối
Đừng tin tôi nhé vì tiếng cười

Đôi khi một người dường như chờ đợi
thật ra đang ngồi thảnh thơi

Tôi như là người ngồi trong đêm dài
nhìn tôi đang quá ngậm ngùi

Tôi đi tìm ngày tìm đêm lâu dài
một hôm thấy được đời tôi

Tôi yêu mọi người cỏ cây
muôn loài làm sao yêu hết cuộc đời

Tôi như đường về mở ra đô thị
chờ chân thiên hạ về vui

Tôi như nụ cười nở trên môi người
phòng khi nhân loại biếng lười

Tìm tôi đi nhé đừng bối rối
Đừng mang gươm giáo vào với đời

Tôi như ngọn đèn từng đêm vơi cạn
lửa lên thắp một niềm riêng

Tôi như nụ hồng nhiều khi ưu phiền
chờ tôi rã cánh một lần.

Một hôm buồn ra ngắm giòng sông
Một hôm buồn lên núi nằm xuống

Monday, June 7, 2004

Chia tay, "Người đi buồn hay người ở buồn", aka: "Người đi buồn, hay người ở; buồn" là câu hỏi tôi thường tự vấn những lần đưa, tiễn. Tháng sáu ngoài trời mưa, ngoài cảm tưởng cái ly nửa đầy nửa cạn của sáu tháng còn lại luẩn quẩn bên sáu tháng qua mau còn thêm hai người quen về thăm quê hương. Một người đi tuần trước, một người đi tuần này. Tuy hai người chưa biết nhau nhưng sẽ cùng đến cùng thành phố. Có lẽ nẻo đi trên quê hương khác nhau nhưng lúc về, sẽ rời khỏi việt nam cùng một ngày. Rồi, không hẹn mà gặp, trưóc lần đi cũng, ân cần, hỏi: "anh có cần mua gì bên đó không?" .. Câu trả lời vẫn là "không! thank-you very much!!" .. Và lần này, kẻ đi vui nhiều, thật nhiều cho người ở lại cùng vui theo. Muốn rút lại chữ "không" nhưng một lời nói ra trăm ngựa không kéo về được. Thôi! cần gì thì có lẽ chỉ cần như vầy thôi!

Dặn Dò

nếu có thể khi em về bên đó
lấy dùm anh một thoáng gió di cư
gió di cư thơm mồ hôi vất vả
của cha già bên nỗi nhớ niềm lo

nếu có thể khi em về bên đó
lấy dùm anh vài giọt nắng hoàng hôn
nắng hoàng hôn nắng ôm bóng mẹ
giọt lệ thầm quanh ngày tháng mong con

nếu có thể khi em về bên đó
lấy dùm anh một khúc nhạc tuổi thơ
nhạc tuổi thơ hai đứa mình đùa nghịch
tuổi dại khờ toan tính chuyện lấy nhau

nếu có thể khi em về bên đó
lấy dùm anh một chút phấn trường xưa
phấn trường xưa tuổi học trò chưa đủ
nên cả đời cứ bận bịu tìm quên

nếu có thể khi em về bên đó
lấy dùm anh một chút khói xum vầy
khói xum vầy tháng tư ai cướp mất
anh em mình từ đó sống tha hương

nếu có thể khi em về bên đó
nhớ ở lâu cho trọn một lần đi
vì anh hiểu khó lòng em về lại
khi đứng nhìn đổ nát cạnh ăn chơi

nếu có thể khi em về bên đó
lấy dùm anh một chút đạo làm người
đạo làm người theo thời gian phai lạt
bên xứ người đầy vật chất bon chen

nếu có thể khi em về bên đó
đem về đây ngày tháng của hẹn hò
chen tóc bạc nuôi hồn anh trẻ mãi
đón em về phố chật trọn đời vui

song vinh

Two quotes from Ronald Reagan (1911 - 2004):

"How do you tell a communist? Well, it's someone who reads Marx and Lenin. And how do you tell an anti-Communist? It's someone who understands Marx and Lenin."

"It's true hard work never killed anybody, but I figure, why take the chance?"