Sân chơi của lãng du

Thursday, July 29, 2004

Chương trình lớp học mới vừa đưa lên Web hôm nay. Cho dẫu tôi biết tin trong rất sớm cùng ghi tên ngay lập tức mà vẫn bị rơi vào danh sách dự bị (standby). Kinh nghiệm cho tôi biết trong khoảng thời gian tới, nhất là cận ngày tựu lớp, sẽ có nhiều người bôi bỏ vì lý do này lý do khác để từ từ tên người trong danh sách dự bị sẽ được đôn lên danh sách chính. Vì tên tôi nằm hàng nhì, tôi biết chắc không sớm thì muộn, tôi sẽ có chỗ.

Đời sống bon chen tạo những hiện tượng như vậy. Ai cũng tranh, dành. Không ai phí thời giờ suy nghĩ, lựa chọn. Cứ dành trước để đó, rủi sau không cần, không xài sẽ loại ra. Tôi không nghĩ tính này là tính xấu hay tốt. Trong cõi tạm, xấu tốt chỉ là chuyện tương đối vì chủ quan sẽ làm mình nghĩ sai những điều đúng và nghĩ đúng những điều sai. Trong sinh hoạt thường nhật vẫn có Peter's laws at work ..when you have a choice, take both!. Lúc nào cũng phải luôn phấn đấu tranh đua. Không thì luật đào thải sẽ đến thăm mình. Không thì người phấn đấu hơn sẽ hơn mình. Như chuyện hai người đi rừng bị cọp rượt. Họ hối hả chạy .. mệt quá một người bảo: thôi chịu thua .. tụi mình làm sao chạy hơn cọp được .. Người kia bảo; quẫn cùng như thế này, tôi không cần chạy hơn cọp, tôi chỉ cần chạy hơn anh thôi! ..

Tôi thấy người Việt bên California lúc nào cũng hối hả trong khi người Việt bên miền Đông ít hối hả hơn. Người ở khoảnh giữa, ie. Texas (tôi gọi là miền "Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ") lúc nhanh lúc chậm, khó đoán. "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Tôi nghĩ phải vậy, phải vậy mới sống được. Tôi tôn trọng khác biệt đó. Đứa cháu bên VN nói "Cậu ơi! SaìGòn giờ khác lắm, bon chen lắm, Cậu mà về chắc cậu bỡ ngỡ lắm". Tôi không dám nói gì sợ cháu của tôi buồn vì nỗi muốn 'bỡ ngỡ' của tôi vẫn còn xa như niềm hy vọng tìm về 'ChânTrờiTím'.

Qua thế kỷ mới, đời sống với chi hệ quốc tế làm con người bon chen hơn, vất vả hơn, chật vật hơn; "khôn sống mống chết" rõ ràng hơn. Tôi hiểu! Và, tôi hiểu trong giòng xuôi đó có cũng có người tránh bon chen đi tìm thăng bằng tâm linh, giã từ vướng bận vật chất. Giữa hai lựa chọn, giá cả sẽ tương đương.

Ai trong chúng ta đều có thể để dành tiền, để dành những thứ khác. Nhưng không ai trong ta có thể để dành thời gian được. Vì, ai cũng đều có 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm. không hơn, không kém. Khi một giờ của bạn trôi qua, một giờ của tôi trôi qua.

Đường đi, quan niệm dẫu khác nhưng trong thời gian, nhân và kỷ lúc nào cũng cùng trôi một hướng. Trong giòng trôi đó, hãy cho nhau nụ cười vì không ai phải chạy nhanh hơn ai.

Wednesday, July 28, 2004

Labels: 0 comments

1- sáng
hè về rụng lá còn xanh
bay trên áo nhỏ bay quanh áo người
nhẹ đi khỏa điệu lả lơi
me chua trở ngọt quen trời
lãng du

2- chiều
nhìn em đập tỏi mà thương
chặt gà mà tội
nướng sườn ..
lửa to

nhìn em bứt rễ cọng ngò
ngắt đầu rau húng
anh lo ..
phận mình

SongVinh

Monday, July 26, 2004

Vườn rau của tôi sau hơn thời gian dài không chăm sóc chỉ còn lại rau Diếp Cá (Houttuynia Cordata). Rau này còn gọi là rau Dấp Cá hay cây Lá Giấp. Loại rau này tôi trồng vài năm trước cùng những rau khác. Thời gian qua để chỉ còn rau này sót lại. Không những đã chiếm trọn cả vườn mà còn lan ra những chỗ khác. Rau Diếp Cá là loại rau có vị chua, mùi nồng và hơi cay. Vì có lá giống hình trái tim nên tôi gọi riêng là rau Trái Tim Xanh (TTX). Rau TTX dễ trồng, khi trồng thì sống lâu, lan rộng. Rau này cho dẫu lá bị nhỏ khi không được chăm sóc hay lá lớn vì bị chăm sóc quá độ cũng đều giữ được vị riêng. Thỉnh thoảng rau TTX ra hoa. Hoa lúc đơm nụ trông như đọt hoa sen tí hon. Khi hoa nở thì bề dưới có 4 cánh trắng trông như đóa Mai, bề trên là phần mang hột. Hoa nở khá lâu mới tàn.

Tương tự trường hợp trái sầu riêng; hễ ai không chịu được thì rất ghét rau này, hễ ai thích thì ghiền. Tôi là người thuộc nhóm sau, nghĩa là qua những món như Bún Chả, Thịt Bò Nướng, Chả Cá, Chả Giò, Bún Thịt Nướng, Cuốn, vv.. là phải có rau này tôi mới yên tâm mà ăn.

So với rau rau Ngò Gai chỉ ăn với phở, rau Muống chỉ ăn một mình thì rau TTX ăn được với nhiều món. Theo nhiều tài liệu thì rau TTX có khả năng làm tăng độ bền của mạch máu. Ngoài ra rau TTX còn có tác dụng chữa đau mắt (chỉ chữa thôi chứ không làm mắt tốt lên được).

Tôi đã định nhổ một phần rau này đi để chỗ trồng thêm rau khác nhưng khi nhìn những chiếc lá xanh xanh hình trái tim tôi lại đổi ý. Tôi sẽ làm thêm cái vườn bên cạnh trồng thêm loại rau khác. Tôi sẽ gọi vườn rau TTX là vườn thủy chung vì chăm sóc hay không rau trong vườn vẫn vậy. Vườn kia tôi tôi sẽ gọi là vườn đổi thay vì mỗi năm mỗi trồng mỗi chăm bón.

Thursday, July 22, 2004

Chuyện tình Lan và Điệp nhiều người biết đến. Cũng như nhiều bài nhạc, nhiều tuồng cải lương đã nói về mối tình đó. Truyện kể đến đoạn Lan cắt dây chuông là ngừng. Tôi vẫn thích "happy ending" nên kiểu chấm dứt này làm tôi không ưng ý lắm.

Thắc mắc rất thực tế của tôi là sau khi dây chuông bị cắt thì Điệp đứng đó bao lâu? Sau đó Điệp bỏ về hay Điệp làm cái chòi quanh quẩn ở lại cho gần Lan? hay Điệp phẫn chí anh hùng bỏ lên núi khác tu công?

Phần Lan sau khi cắt dây chuông thì trở vào liền hay còn nấn ná xem Điệp làm gì ở ngoài. Nàng có phải nối lại dây chuông để khách thập phương khác dùng không? Phần ông sư trụ trì thì ông ấy có thắc mắc rằng kẻ nào tinh nghịch mà cắt dây chuông (rồi nối lại) hay không? Rồi, rồi nhiều thứ sẽ xẩy ra sau khi cắt dây chuông vì tôi nghĩ Lan và Điệp còn quá trẻ. Nhất là người như Lan mà đi tu thì uổng.

Như trong bài viết nào đó, tôi có biên là tôi không phải phật tử thứ thiệt. Dẫu vậy, hình ảnh ngôi chùa không những lúc nào cũng gắn bó với tôi mà từng kỷ niệm về chùa của tôi đã đầy ắp trong tầm nhớ.

Mùa hè khi tôi xong lớp ba thì người anh, làm nghề điện, dẫn tôi theo anh ấy đi làm. Có lẽ vì nhà không ai coi tôi nên anh phải nê tôi theo trong ngày tháng đó chăng. Một hôm, anh và tôi đến vùng Gò Vấp, nơi đó có một ngôi chùa rất cũ. Phần việc của anh là gắn những ngọn đèn neon vào chánh điện và đặt cắm điện cho những phòng trong. Phần việc của tôi là chơi làm sao cho hết ngày mà vẫn còn toàn vẹn cạnh mỗi lần anh ấy gọi là phải trả lời ngay lập tức.

Chùa thì nhỏ mà nằm trên mảnh đất rất rộng cho tuổi thơ tôi đầy lang thang thú vị. Chuỗi ngày rong chơi ở ngoài kéo mãi cũng nhàm nên tôi lang thang vào chùa bất chấp lời dặn của anh là không được vào chùa phá. Ở đó, tôi đã phụ trồng những luống khoai, nhổ những cọng cỏ, .. Nhiều lần tụng kinh tôi cũng ê a góp tiếng cho dẫu sau vài phút chú tâm là tôi chạy chỗ khác. Điều đáng nhớ là chùa chỉ toàn phái nữ. Có lẽ vì vậy mà việc làm của anh tôi trở nên cẩn thận hơn và kéo dài lâu hơn dự định chăng.. Chính nơi sân chùa là nơi tôi, lần đầu tiên, nghe kể chuyện tình Lan và Điệp. Tôi ngây thơ hỏi dây chuông là dây gì vì trong chuỗi ngày lang thang của tôi cả trong lẫn ngoài chùa, tôi chẳng thấy cái dây chuông. Câu hỏi của tôi được trả lời một cách gọn ghẽ là "chùa không có dây chuông". Trong trí óc non nớt của tôi, tôi thấy chùa cổng cũng không có thì chỗ đâu mà mắc giây chuông?

Ngày xong chính điện, trước khi mở đèn lần đầu tiên, tôi và anh tôi phải chờ. Chờ trọn buổi sáng để họ gọi tất cả những người trong chùa hội về. Khi công tắc bật lên, khi chính điện tràn ánh đèn neon xanh, tôi nghe nhiều tiếng mừng rỡ.
"Trời ơi! Đẹp quá .. Đêm nay mình thức tụng kinh tới sáng nghen" ..Đó là câu bật lên từ một chị đứng cạnh tôi .. Niềm vui xuất từ đáy tim của chị mà tôi không những nghe mà còn cảm được ..

Tôi đã hiểu thế nào là niềm vui, thế nào là cuộc sống thanh đạm, thế nào là lòng người qua mùa hè năm đó.

Wednesday, July 21, 2004

Phố chật một ngày như mọi ngày vẫn đầy từng giờ khác nhau. Sở làm chộn rộn kẻ đến kẻ đi (aka: layoff kẻ này, bỏ vào kẻ khác). Phần kẻ sót lại aka: tôi(1) cũng chán nên nhìn nhận sự đổi thay qua nét mặt bình thản. Trước sau cũng lượt mình, còn ngày nào hay ngày ấy.. Khỏi tìm bình an khi bình an bất chợt về lúc mình chấp nhận tương lai dễ đoán. Ở nhà thì những người bên cạnh (aka: hàng xóm) mỗi năm gặp vài lần. Lần gặp nếu có chút thời giờ thì sau câu thăm hỏi cộng vài chuyện trao đổi kéo được dăm phút là hết chuyện để nói. Lại "see you later" và tiếp tục công việc ngoài sân của mình. Phố chật của một ngày như mọi ngày vẫn đều đặn trôi cho thời gian chất chồng. Trong chộn rộn thường nhật đó, có giòng nhạc của "hai năm tình lận đận", của "cô láng giềng ơi! .. "hai năm" giờ quá ngắn; ngắn vì tuổi thọ thế kỹ 21 tăng dần hay vì thời gian trôi nhanh? mà tình ở bên này thì ít khi "lận đận" "(cô) láng giềng" là những người bạn thân quen chưa lần đối diện. Có người làm việc chung qua ngõ internet nhiều năm mà vẫn chưa có tấm ảnh để nhỡ gặp ngoài đường còn biết để chào. Có người liên lạc điện thư thường nhật quen đến độ khi họ viết không bỏ dấu "dao nao cung la dao" mình sẽ hiểu "đạo nào cũng là đạo". Có bạn mới quen mà như thân tự thuở nào, bảo "tu lâu sẽ thanh tĩnh" làm ngượng ngùng mà hiểu lòng mình "tu lâu sẽ thành tinh" .. Phố chật một ngày như mọi ngày với đầy những giờ khác nhau cạnh từng chớp tắt của binary(2) đã làm tôi giầu thêm bạn thêm tình hàng xóm. Và, hơn tất cả, những láng giềng tuy xa vạn dặm vẫn gần, thật gần như lúc dùng mouse khẽ bấm nút "send"


(1)
tôi (aka.)

để lại đây bài thơ
bài thơ tối tăm vất vả
soi lối tương lai mù mờ
tôi! (gã thư sinh nhẹ dạ)

để lại đây tiếng cười
chuyến xe đêm người ngáy ngủ
vòng quay đều đều nổi trôi
tôi! (gã lơ xe ủ rũ)

để lại đây nỗi buồn
nỗi buồn đọng quanh thể xác
nỗi buồn chẳng thể đem chôn
tôi! (gã mồ côi ngơ ngác)

để lại đây cơn mưa
cơn mưa ôm dáng bên đường
bong bóng tan như lời hứa
tôi! (gã con trai tha hương)

để lại đây con tim
gục đầu tình yêu bốc cháy
vòng trái đất xoay mau
tôi! (gã đến sau khờ dại)

để lại đây cuộc đời
khóc người đi không lần tiễn
ba thước đất một linh hồn
tôi! (với nụ cười cuồng điên)

Song Vinh


(2)
A two-faced world
(translated by Nguyen Thanh Truc)

it can not compress those long miserable nights
it can not undo all the mistakes
it can not copy the fun events
this world is filled with sorrow
(the naked letter)

it can not paste the pictures into our heart
it can not refresh an old love
it can not backup a beautiful afternoon
(this world is silent - as a quiet library)
the tiny neon light cannot outshine a harvest moon

it can not preview the future
it can not debug a good bye
it can not delete our precious memories
this world seems strange
(the naked letter)


the original poem, in Vietnamese, by Song Vinh:

Thế giới binary

đâu có thể nào compress những đêm dài
đâu có thể nào undo những lầm lỡ
đâu có thể nào copy những cuộc vui
thế giới quanh đây ngậm ngùi
(những lá thư không phong bì)

đâu có thể nào paste hình ảnh vào tim nhau
đâu có thể nào new một tình yêu đã cũ
đâu có thể nào back up một buổi chiều
(hai đứa bên nhau thư viện vắng)
thế giới quanh đây trầm lặng
chỉ ánh đèn le lói giữa trời quen

đâu có thể nào preview một tương lai
đâu có thể nào debug một lời từ giã
đâu có thể nào delete kỷ niệm đôi ta
thế giới quanh đây xa lạ
(những lá thư không cần tem)

SongVinh

Tuesday, July 20, 2004

July 20, 2004

Tôi thích và dùng Peter's laws(1) với những câu làm cho mình lúc nào cũng thấy vươn lên. Như: "If anything can go wrong, fix it!" (những gì có thể hư hỏng, hãy sửa nó lại). Và nhất là:
"When given a choice, take both"
"Start at the top and work your way up"
...

Tương phản với Murphy's laws(2) là những câu bi quan, thường xẩy ra và được coi là lẽ đương nhiên. Tỉ dụ như: "If anything can go wrong, it will" (những gì có thể hư hỏng, sẽ hư hỏng)


(1) Peter's Laws

  • If anything can go wrong, Fix it! (To hell with Murphy!)
  • When given a choice -- Take both!
  • Multiple projects lead to multiple successes.
  • Start at the top and work your way up.
  • Do it by the book...but be the author!
  • When forced to compromise, ask for more.
  • If you can't beat them, join them, and then beat them.
  • If it's worth doing, it's got to be done right now.
  • If you can't win, change the rules.
  • If you can't change the rules, ignore them.
  • When faced without a challenge, make one.
  • "No" simply means begin again at the next highest level.
  • Don't walk when you can run.
  • Bureaucracy is a challenge to the be conquered with a righteous attitude, an intolerance for stupidity, and bulldozer when necessary.
  • When in doubt: THINK!
  • Patience is a virtue but persistence to the point of success is a blessing.
  • The squeaky wheel gets replaced.
  • The faster you move, the slower time passes, the longer you live.


(2) Murphy's laws

  • If anything can go wrong, it will
  • If there is a possibility of several things going wrong, the one that will cause the most damage will be the one to go wrong
  • If anything just cannot go wrong, it will anyway
  • If you perceive that there are four possible ways in which something can go wrong, and circumvent these, then a fifth way, unprepared for, will promptly develop
  • Left to themselves, things tend to go from bad to worse
  • If everything seems to be going well, you have obviously overlooked something
  • Nature always sides with the hidden flaw
  • Mother nature is a bitch

Saturday, July 17, 2004

bài viết "sau ngôi chùa" của người bạn bên Montréal làm tôi khi nhìn cảnh chùa chạnh nhớ tới ở tiểu bang North Carolina, thành phố Charlotte, cách phố chật của tôi 3 giờ lái xe có một ngôi chùa. Và, tuy không là phật tử thứ thiệt, tôi cũng đã đến đó nhiều lần vì hình ảnh mẹ tôi bên mỹ thờ nơi chùa đó (để tôi đến thăm thường được). Ngôi chùa với một nhà sư đáng kính. Ông ta hiền hơn tất cả. Rồi một ngày có lũ vào cướp chùa (lũ người không phải người tây phương, mới là điều đáng buồn), không những đà lấy hết tiền trong hộp công quả (có lẽ bạn cũng biết, ở chùa thì hộp công quả có được bao nhiêu tiền đâu) mà còn đánh ông ấy rất nặng để phải vào nhà thương nằm ở emergency care. Nhưng ông ấy vẫn hiền hoà không thưa kiện gì với cảnh sát. Nhà sư hiền hơn tất cả ..
Rồi .. nhà sư đáng kính ấy đã tự thiêu cho niềm tin .. Hãy vào xem những links này

Wednesday, July 14, 2004

Phố chật những ngày hè đi đâu cũng thấy xây cất. Những con đường cần mở rộng nên bị chậm lại. Từ 3,4 lines dồn lại còn hai, rồi còn một. Rồi phình ra, rồi thắt vào. Đôi khi dồn lại 1 line mà cả hai chiều xe đều dùng nên phải có người cầm bảng để hướng dẫn. Thay vì 20 phút để đi thì bây giờ phải tốn 1 giờ để đến.
Sáng tôi đi làm thấy đống đất bự như trái đồi nằm bên tay phải. Chiều về thì đống đất được dời qua bên kia đường (nhưng cũng nằm bên tay phải của tôi). Hôm sau nó bị chẻ làm đôi nằm mỗi bên một nửa, rồi lại dồn lại thành một đống bữa sau. Từng đống, từng đống đất. Đống thì bự, đống thì nhỏ, đống nhô cao, đống trải dài.

Nhìn đống đất mà tôi chạnh nhớ ngày của năm tôi tình cờ về lại VN qua chuyến công tác quá vội. Thấy những người gầy gò cầm xẻng xúc từng mẫu đất, nghĩ tới những máy "earth mover" của bên này; tôi cảm thấy có chút gì nghẹn lại trên cổ họng. Nhưng làm sao so sánh được khi nước này là nước đứng hàng đầu mà nước Việt chỉ là một trong 5 nước nghèo nhất trên thế giới.

Phố chật những ngày hè với hoa Mimosa đã tàn, cây Mimosa đã lùi vào trong những tàn cây khác nhường chỗ cho muôn loài hoa mùa hè thi nhau nở rộ. Những Crape Myrtle, Day Lilies, Tullips, Roses, Blackyed Susan, .., rực mầu điểm trang cho phố chật. Phố chật vẫn giữ tôi lại vì có đủ 4 mùa, đủ buồn đủ vui, đủ tiếng ve kêu rang mùa hè trong nỗi vắng loài hoa phượng.

Tuesday, July 13, 2004

Lầu 1 nơi sở tôi có một cái máy đặc biệt. Trong máy là một vòng tròn nhiều từng, mỗi từng chia ra từng ngăn đựng món ăn khác nhau cùng vài ngăn đựng thức uống. Bên ngoài máy là hai nút bấm để khách chọn. Một nút làm cái vòng chạy theo chiều kim đồng hồ, nút kia làm cái vòng chạy ngược lại. Khi món ăn hiện ra cửa sổ thì khách bỏ tiền vào. Khi bỏ đủ thì cửa sổ bật ra. Khách thò tay vào lấy.

Trong tất cả những món ăn thì món piza của máy này có một không hai (nghĩa là nguyên máy chỉ có một miếng piza thôi). Cũng giản dị. Này nhé, sau khi bấm qua bấm lại cho miếng pizza hiện ra thì bỏ 2 đồng vào máy rồi kéo cửa lấy nó ra. Nhìn sẽ thấy miếng pizza được đặt trên tấm giấy bìa cứng và gói quanh bằng giấy bóng. Cẩn thận bóc miếng giấy bóng rồi đưa vào microwave. Nhớ để chính xác 2 phút, không hơn không kém. Khi microwave xong thì cẩn thận lấy miếng pizza ra, coi chừng bị phỏng. Sau đó tìm cái thùng rác mà vất miếng pizza đi, chỉ ăn tấm giấy bìa cứng vì tấm giấy bìa cứng này có nhiều hương vị và ăn bảo đảm hơn miếng pizza.

Nói vậy là đủ hiểu đồ ăn máy này ngon cỡ nào. Cho nên, nhiều kẻ đã gọi máy này là "the wheel of death".

Tôi không thể nghĩ được tại sao khi máy đầy thì vài ngày sau là hết đồ. Trong khi ra ngoài khoảng 3 phút là đầy đủ những nhà hàng với giá ăn trưa thâ.t rẻ, tha hồ mà chọn.

Monday, July 12, 2004

Nguyệt san Nhà Việt (aka: VietHome) tháng này có hình bìa sexy). Nhìn mà muốn trở thành cây dừa lúc họ chụp hình vô cùng. Sau khi tạm dẹp bỏ cái ý nghĩ trở thành cây dừa, tôi thư thả lật tìm đọc thì hơi thất vọng (chỉ hơi thôi) bởi bài viết về người mẫu quá ngắn. Bù lại, có bài viết về sự chật vật của những con voi ở Á châu, về những con cá Samon, về cố tt Reagan và VN, về cố thiên tài Ray Charles, về Hàn mạc Tử, về Nguyễn Khoa và Bành Ái Thư ở Cali đại diện Hoa Kỳ về môn bóng bàn cho Thế Vận hội 2004. Xin đừng nghĩ tôi quảng cáo cho tờ báo này. Trong ngày đầu của tuần lễ tránh không coi truyền hình, báo kỳ này với những bài kể trên cùng hình bìa đã đem cho tôi một tối chủ nhật nhẹ nhàng.

Sunday, July 11, 2004

Vì vấn đề hoàng pháp, cô Từ Hoa sẽ gởi miễn phí cuốn Nhập Pháp Giới Lược Giải và 5 CDs cho những ai muốn tham khảo thêm về kinh Hoa Nghiêm. Xin Liên lạc với tác giả Từ Hoa tại: dauxua756@aol.com

nhà thơ/văn Thái Thụy Vy vừa tái bản tập biên khảo Biên Hùng Liệt Sử. Quyển sách viết về địa linh nhân kiệt của vùng đất Biên Hoà. Sách dầy hơn 235 trang với thêm nhiều hình ảnh và bài viết. Xin liên lạc về: luatanndo@yahoo.com

Friday, July 9, 2004

"Saturday (May 15, 2004), a top Bush administration official said the American Bald Eagle will be removed from the threatened species list this year. The birds will still be safeguarded under the federal Bald Eagle Protection Act of 1940"

Người bạn mà tôi thỉnh thoảng vẫn đi chung trong những ngày nghỉ quanh vùng biển thở dài bảo là tiểu bang mình con số của chim đại bàng (Eagle) tụt xuống.. vậy mà sao cứ lại bị cắt thêm tiền cho ngân quỹ. Cắt mãi đến độ mình phải xuất tiền túi mà làm. Tôi nghe từng tha thiết trên lời nói gượng vui của bạn tôi .. Những đêm bạn cặm cụi với máy điện toán gởi từng bài tường trình đến Washington, DC vẫn chưa có kết quả. Những chuyến bạn vội vã đi họp xa để công việc thường nhật đọng lại rồi phải làm bù thêm trong những ngày thiên hạ đi chơi vẫn cứ kéo dài. Chuyện làm thêm thành chuyện làm thật, chuyện làm thật trở thành gánh nặng của những giờ ngơi nghỉ. Bạn tôi gầy dần theo năm. Nỗi lòng của người với vật sao tôi thấy thiết tha, tận tụy hơn bao giờ. Không quản ngại nắng mưa, bạn tôi cẩn thận quan sát từng con chim, thuộc lòng từng hình dáng. Này nhé, con này là T., vợ nó là V., hai đứa con nó là M. và N.; M,N được đúng 14 tháng. Mày biết không .. Loại chim ở tiểu bang mình nó lạ lắm .. Nó sống có đôi.. Khi con này chết, con kia bỏ đi đâu mất luôn. À, mày biết khi tụi nó làm tổ, nó làm tổ rất chật, chỉ đủ chỗ cho hai con chim con. Rủi có 3 trứng mà nở đủ 3 thì sẽ có con lọt khỏi tổ mà chết. Mà tụi nó lại làm tổ trên cây cao. À, khi nó làm tổ thì con mái đi tìm những cây có gai, đôi khi phải bay cả hơn chục dặm mới tìm được. Nó mang về cho con trống dệt tổ. Con trống gài những mũi gai vào trong. Rồi sau đó nó dùng mỏ rứt lông ở ngực ra lót vào tổ. Chiếc tổ thành hình ấm và êm. Sau đó con mái đẻ trứng. Thông thường nó đẻ khoảng 1 tới 2 trứng. Hoạ hoằn lắm mới được 3 trứng nhưng tổ chật nên sau vài ngày chen sống sẽ có con lọt tổ chết. Chỉ hai con thôi mà vợ chồng tụi nó đi tìm đồ ăn cũng đã khó khăn rồi .. Người bạn tôi say sưa kể..

Rồi, mày biết không, khi chim con đủ lông đủ cánh, càng ngày càng lớn thì tổ càng chật. Đến một ngày một con không chịu được nữa bay đi. Tổ rộng ra cho con còn lại nhưng bố mẹ nó từ từ rút những cọng lông lót phía trong tổ ra, mỗi ngày rút một ít. Cái tổ trở nên khó ở dần vì những cọng gai nhọn. Cuối cùng chiếc tổ chỉ còn những gai đâm làm chim con phải mau rời tổ. Không hiểu sao cha mẹ chúng hiểu mà làm lũ con rời tổ trước mùa đông, dẫu mùa đông mỗi năm sớm muộn không chừng.

Thấy chưa, mày thấy những tổ chim rỗng đó chưa. Vì, chúng không bao giờ dùng lại tổ cũ ..

Trời quá sáng nhưng vẫn sương mù, bạn tôi vẫn băn khoăn về những con chim. Trở lại xe, người bạn lấy cái lồng thò tay vào đem ra một con chim nhỏ. Trên tay người bạn con chim ngơ ngác nhìn khoảnh trống trước mặt. Mày biết không, con chim này toa may mắn được nó khi nó rơi khỏi tổ .. không thì .. Nay nó bay được rồi .. Tao mừng .. Người bạn vung tay lên .. Cánh chim vụt bay trên nụ cười rạng rỡ của bạn.

Nhìn bạn cặm cụi ghi vào quyển sổ tay, tôi nhủ thầm: không hiểu bạn tôi đặt con chim đó tên gì, không hiểu sao bạn lại bỏ tâm huyết làm việc này, không hiểu sao bạn theo đuổi việc này lâu như vậy, .. "À, mày biết không", bạn tôi giữ lời thật nhỏ .."Tao đếm tất cả là 61 con. Sẽ có con cô đơn, tội nó quá".

Nắng lên cao dần, trời chuyển nóng trong ngày đầu hạ. Nhìn gió biển thổi tung mái tóc nhiều sợi bạc của bạn tôi. Nhìn dáng bạn giữa vùng bao la .. "Cánh chim cô đơn" .. Tôi nhủ thầm! Bạn tôi vẫn đứng, biển vẫn vắng, vẫn gió nhiều ..

Hai người về VN đã về lại an lành. Một người nói: "có lẽ vài năm nữa mới về", ngưòi kia nói: "khi có dịp thì mới về" .. Vậy thì bần đạo có bài thơ này cho trường hợp đó

Ráng thầm nhại theo

bỏ đi, bước lở bước bồi
tôi tim lá mục lần hồi nhớ trông
xứ này đất rộng người đông
để đôi tay níu chạm vòng cô đơn

bỏ đi, bước dỗi bước hờn
tôi xa giấc ngủ tôi mòn mỏi tôi
chiều lên ngó đất ngó trời
chạm con ngõ cụt thương đời ráng theo

bỏ đi, bước chống bước chèo
tôi mồ côi sớm tôi nghèo theo năm
gặp em tuổi mộng môi rằm
lạ câu kinh phật ráng thầm nhại theo

bỏ đi, bước núi bước đèo
lỡ thương phận nước nên chèo dài sông
ngó quanh người vẫy tay mong
hai năm mười ngón nên không được gì

bỏ đi, thì cũng lần đi
chợt thêm lạc lõng từ khi lần về
lót thêm sỏi đá đường mê
tôi loay hoay ngủ bên lề cuộc chơi

song vinh

Wednesday, July 7, 2004

Labels: 0 comments

đi trong còn mất người thân
giữa lòng phố chật bước gần lại xa
bước đi chạm buổi chiều già
bước về chợt cõi riêng là cõi chung
loanh quanh chộn rộn bung xung
sở quen việc lạ họp chung nỗi rời
điện thư người đã về rồi
niềm vui rộng mãi bên lời thư quen

SongVinh

"Hễ khi nào lá trên cây rũ xuống thì trời sẽ mưa"
"Rũ xuống là rũ thế nào ?", tôi hỏi.
"Thì lá rũ xuống đó "!
"Rũ nhiều hay rũ ít", tôi lại hỏi.
"Này .. cây này lá nó rũ xuống đó.. thấy không.."
"Lá rũ thì.. bao lâu sẽ mưa?" tham lam tôi hỏi tiếp
"Hễ lá rũ thì trời sẽ mưa.. mà"
Và, trời mưa, mưa thật. Tôi để từng giọt nước thấm sâu vào da thịt, uống từng ngụm nước như kẻ sắp chết trên sa mạc. Những ngày tắm mưa thời nhỏ tưởng phôi pha nhưng vẫn còn gần, gần hơn ánh mắt của những người chung quanh.
Cơn mưa mùa hạ đến và đi quá nhanh nhưng đủ giữ tôi ngồi lại. Qua những đọt nắng từng chiếc lá "hồi sinh".. Bây giờ nhìn ra .. À! lá hết rũ rồi ..
Những chi tiết nhỏ nhoi mòn dần cuộc sống đã được tôi chôn xuống nền đất ẩm trưa nay. Quanh chỗ tôi ngồi vẫn dịu dàng câu nói "Hễ lá rũ thì trời sẽ mưa".

Friday, July 2, 2004

Từ không gian xuất hiện loài người rồi qua loài người thời gian được tạo ra và được đưa lên quan trọng hàng đầu. Từ ngày qua đêm đã được loài người chia ra từng khoảnh vụn để vịn vào đó mà tăng thêm khả năng sản xuất cùng giảm dần khoảng nghỉ ngơi. Thời gian còn được dùng như thước để đo sự thông minh, để có lý do chánh đáng mở hoặc đóng những cánh cửa dẫn vào nguồn lợi. Khi chiếc đồng hồ bị hư không sửa được ngưòi ta sẽ vứt nó đi. Dẫu vậy, chiếc đồng hồ hư vẫn còn giá trị. Hãy nghĩ đến câu "cái đồng hồ, cho dẫu ngừng chạy vẫn chỉ đúng giờ hai lần trong một ngày (Even a stopped clock gives the right time twice a day)" để biết rằng thời gian, cho dẫu tạo bởi con người, vẫn là chút gì vĩnh cữu.
comments

Cuối tháng tư 2005 là đủ 30 năm người Việt đưa nhau ra hải ngoại. Những ngày đầu tiên là những ngày sống rải rác, sau đó rủ nhau về những miền phong thổ giống quê xưa. Dù tôi ở quá xa và đi quá lâu, tôi vẫn nhớ những con đường hình bàn cờ với từng tên đáng yêu như Beach blvd, Lampson, Brookhust, .. Ngày tôi ở đó khu thương mãi nam Cali chỉ hơn trăm tiệm khiêm tốn chiếm góc nhỏ. Bây giờ con số tăng lên tới hơn cả ngàn tiệm, hùng dũng chiếm đầy nhiều góc phố.

Những di dân khác tới xứ này họ không muốn chối bỏ quá khứ nhưng họ muốn cái mới làm hơn cái cũ. Cho nên vì thương York, họ gọi vùng đất tạm dung của họ là New York. Và, .. có lẽ bạn hiểu tôi muốn gì rồi ..

Làm sao đổi tên "Little Saigon" thành tên khác hỡi bạn? Tỉ dụ như "New Saigon" .. Chữ "little" nghe chói tai, nghe nhỏ nhoi, nghe lệ thuộc. Rồi, hai chữ này lại theo nhau lan ra từ miền tây sang miền đông bắc, đông nam, etc..

Tôi biết tôi khó trở lại cali cho dẫu kỷ niệm vẫn tràn ngập hồn tôi nhưng tôi hy vọng là khi trở lại tôi sẽ lái xe vòng ngõ khác để tránh cái bảng nhỏ mang mũi tên chỉ vào hướng "little Saigon" đáng ghét này. À, tôi chỉ nói cái bảng đáng ghét, cái tên cũng đáng ghét thôi. Ngoài ra, những gì của "little Saigon" là tôi yêu mến vô cùng.