Sân chơi của lãng du

Monday, August 30, 2004

Như trong bài viết trước, tôi đã kể phố chật có tới những hai tiệm ăn Việt. Bữa nay, tiệm chuyên bán phở "chính thức" đóng cửa. Sở dĩ tôi để chữ chính thức trong ngoặc kép vì lần đến trước, tiệm vẫn treo bảng 'open' nhưng bên trong đèn thì tắt với "bàn im hơi bên ghế ngồi". Hôm đó lũ tôi được một phen bàn cãi, tiên đoán. Phần lớn cũng vì tiệm này tuy tạm gọi là ngon nhưng vẫn được lui tới vì có cô người làm dáng nhỏ chân thon thường hay điểm nụ cười với chiếc răng khễnh duyên dáng cạnh ông chủ già hiền như giòng sông.

Hơn tuần sau lũ tôi đến vẫn thấy tiệm còn bảng 'open' nhưng bên trong bàn ghế dọn sạch chỉ còn mặt nền nằm cong để bên ngoài những mặt người buồn ngóng. Kỳ này lũ tôi không bàn cãi, tiên đoán gì nữa. Và, tôi chợt bắt gặp nét buồn trên mặt người bạn trẻ mới vào làm vài tháng trước. Thế là cả bọn kéo nhau ra tiệm còn lại.

Như tình cờ, sau khi yên vị, lũ tôi ai cũng gọi món phở. Vì mùa hè nên dĩa rau vun cao đầy rau húng, rau ngò gai, rau om, chanh, ớt xanh và giá. (giá là loại rau hình thành khi ủ từ đậu xanh) thì thật là nhiều. Hôm này phở phải gọi là ngon không kém gì những hôm khác. Tuy lũ tôi mỗi người một tánh nhưng khi ăn xong phở ai cũng giống ai. Nghĩa là phở thì hết nhưng nước lèo và thịt thì còn.

Vừa sửa soạn đứng lên tôi thấy bên cạnh là bàn có bốn năm người phái nữ. Không biết họ đến lúc nào nhưng họ đang chờ phở với dĩa rau to giữa bàn. Trong lúc đợi họ giỡn đùa cùng ăn những cọng giá. Một cô đang nhỏ nhẹ cầm cọng gía và đang .. "cái giá cắn đôi". Tôi xúc động vì đã lâu mới thấy lại lại cái kiểu ăn uống nhỏ nhẹ ấy trong nền văn hóa phương này. Tôi vẫn biết ông cha ta hay lưu tâm đến việc dậy con cách ăn, cách uống. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng, lời giáo huấn làm đẹp bản chất á đông chúng ta. Cọng nhỏ như cây giá mà phải cắn đôi thì mới hiểu được nét nhỏ nhẹ mà ý tứ của người ăn. Sở dĩ tôi biết điều này vì khi tôi còn nhỏ bố mẹ tôi đã chỉ và dậy anh chị em tôi nhiều về cái đẹp trong ăn uống. Tôi nghĩ một phần có lẽ vì nghiêm khắc mà phần khác có lẽ vì không muốn lũ tôi quên đi nguồn cội khi gia đình phải rời nơi chôn nhau cắt rốn mà đi sinh sống ở vùng khác.

Bây giờ đổi đời, nhịp sống đưa tôi đi quá xa thành kẻ tha huong để lạc hướng tìm về. Cái đẹp, cái lịch lãm trong ăn uống theo bước thời gian mang nhiều nghĩa khác. Chợt trong lao xao của hiện tại những lời thân yêu dạy dỗ của cách lịch lãm tế nhị khi ăn uống của ngày thơ chợt về thấm mát lòng tôi buổi trưa hè. Người con gái bàn bên cạnh vẫn vô tư "cái giá cắn đôi" mà không biết có kẻ thầm nhìn.

Tôi cảm thấy ngại ngùng khi lòng thoáng vui bên khuôn mặt đăm chiêu của người bạn trẻ.

Monday, August 23, 2004

Chiều đi làm về, dẫu chạng vạng tối, tôi thấy cây dogwood (Cornaceae) trồng cạnh garage vài chiếc lá đã đổi từ mầu xanh sang mầu tím . Dù nóng của mùa hè vẫn lẩn quất đâu đây nhưng tôi hiểu khi cây dogwood đổi mầu lá là điều Thu sẽ sớm về.

Tôi vẫn thích cây dogwood. Tôi tự đặt tên cho nó là cây quân tử vì loại này mọc hoang với dáng rất thanh, rất nhã, không cụm như thông không xòe như maples không dang rộng như oaks. Hoa dogwood nở đầu xuân, qua Thu đơm trái đỏ.

Cây dogwood hoang bứng về trồng, dù bứng khéo cách nào và chăm sóc tận tình thế mấy cây cùng chỉ sống đôi mùa rồi chết. Cây mua từ tiệm cũng thường rất khó trồng, hễ trồng được thì khó lớn, lớn được mà hễ hạn hán hay mưa nhiều hoạc có năm nhiều bọ là cây chết. Hoa dogwood đẹp, mong manh nên tôi nghĩ tên "cây quân tử" vẫn không sai.
Mùa Thu là mùa tôi thích khi heo may về trên lá vàng với niềm nhớ nửa đầy nửa cạn. Muà thu phố chật riêng tôi đẹp lắm. Mỗi loại cây lá về thu mầu một khác. Dogwood lá viền hồng chen tím đậm, cây phong lá vàng chen lá đỏ, cây bàng lá nâu. Tất cả trộn những cụm mây xây thành làm Thu phố chật quyến rũ vô cùng. Đương nhiêu là cũng có cụm mây không xây thành, nó tránh riêng ra, nó bay lãng đãng trên nền trời như dặn dò trong bè đảng vẫn còn ung dung của độc hành.

Cây dogwood của tôi đã vượt qua những năm èo uột để lớn mạnh cạnh cửa garage nhà tôi. Năm nay cạnh những trái đỏ tôi thấy nó đơm thật nhiều nụ, chuẩn bị cho mùa xuân sắp đến. Trước cây này, tôi đã trồng nhiều dogwood nhưng hễ trồng vài năm là phải trồng lại. Chán tôi đã định ngưng trồng nhưng một chuyến đi về tiểu bang lân cận, người bạn tôi sau khi nghe chuyện đã chỉ cho tôi một cây nhỏ mọc sau vườn, bảo: "mày bứng cây này về trồng, nó còn nhỏ và nó sinh ra từ cây tao đã trồng hơn 5 năm mà vẫn còn, thử xem"..

Cây dogwood bứng về đã được tôi trồng ngay cửa garage để khi tôi đi, về là thấy nó. Đến Thu này thì dogwood của tôi được 5 tuổi và bạn tôi cũng đã ngủ yên sau những ngày vật lộn với cơn bệnh trầm kha. Mùa Thu vẫn đến rồi vẫn đi. Chỉ còn tôi ở lại và chăm cho cây dogwood để sang xuân nó sẽ rộ hoa và đơm trái những khi Thu về.

Wednesday, August 18, 2004

Hội họa, điêu khắc, âm nhạc mang chất lượng quốc tế. Phần thơ, thơ mang tầm vóc quốc nội. Chính vậy khi nhạc quyện vào thơ thì tứ thơ chắp cánh bay cao. Bài thơ "còn chút gì để nhớ" của nhà thơ Vũ Hữu Định (1942-1981) được một số người biết. Khi Phạm Duy đưa vào nhạc thì rất nhiều người đều biết cho dẫu phương tiện truyền thông của năm 1972 rất hạn hẹp. Bài hát ra đời đúng thời điểm nên "một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng .." đi sâu vào lòng người. Dẫu chinh chiến đã qua, cuộc đổi thay đã cũ, nỗi lòng người đi đã nguôi ngoai nhưng lời thơ giòng nhạc vẫn theo thời gian không phụ tâm người ái mộ. Bài viết về Vũ Hữu Định của nhà thơ Luân Hoán chứa chan tình bạn. Ngoài ra, tôi còn thích đọc bài thơ "Kỷ Niệm". Bài này gom trọn câu trả lời của câu hỏi "Người đi buồn hay người ở lại buồn" mà kẻ ở vẫn thường hỏi; dẫu người đi, đã ra đi.

Tôi vẫn thích đọc giòng thơ Vũ Hữu Định để biết sau cơn cháy rừng là dịp mầm non vươn lên, trong vết thương là bắt đầu sự lành lặn (nhưng, lại nhưng, vết sẹo to hay nhỏ là đề tài khác, tôi sẽ biên khi thời gian cho phép). Dẫu tôi ở phố chật này lâu nhưng ra khỏi nhà là tôi như "Anh khách lạ đi lên đi xuống". Phố chật ngày tôi mới đến đẹp và vắng, bây giờ vẫn tôi vẫn phố chật cho dù phố có phần phôi pha và phố đông thêm. Có lẽ Pleiku đã thay, đổi nhiều. Ai về lại Pleiku nhớ cho tôi nhắn lời thăm và biên cho tôi vài giòng về Pleiku của tân niên kỷ. Pleiku còn như xưa hay đã "chút gì để nhớ .. để quên" quanh nỗi tìm kiếm của người về.

Tôi không những đến với nhà thơ Vũ Hữu Định qua "may mà có em đời còn dễ thương" mà còn vì bài thơ "ngày xuân ở quán". Bài này tôi vẫn ngâm những khi xuân về vắng tết. Xin chép lại ở đây:

Ngày xuân ở quán

con gái ngày xuân như mới tắm
buổi sáng sương ướt cỏ hoa ngời
lòng đá chợt mềm chao rất nhẹ
nhớ mình vừa vượt tuổi ba mươi

năm nay ăn tết cùng ông quán
mồng một đời cay miếng mứt gừng
chén rượu ngày xuân sao đắng miệng
giang hồ nghe cũng đã đau lưng

vẫn đi như một anh hành khất
đuối sức nhưng quê đâu mà về
ta sống một đời mây nhuốm bệnh
bồng bềnh sầu dụn mầu nhiêu khê

sáng nay nghe pháo ran ngoài phố
ngòi pháo đời ta cũng cháy ngầm
thấy gái xuân tươi lòng cũng thẹn
chuồn chuồn xếp cánh đậu bâng khuâng

Vũ Hữu Định

Friday, August 13, 2004

Phố chật cũng còn sân ga, nơi con tầu Amtrak thỉnh thoảng ghé. Sân ga lót gạch vuông với chiếc ghế màu xanh. Bữa nay lại tiễn người đi. Không chỉ "ngưòi đi một nửa hồn tôi khỏe, một nửa hồn kia bỗng nhẹ nhàng" mà là lần đi của nhiều lần toan tính. Thôi thì thôi, đời sống hợp rồi tan, ít khi tan rồi hợp.

Hai cơn bão theo nhau vào phố làm đất trời hiu hắt như rọi lòng nhau. Người đi hay người ở, buồn; hỡi biển? Có phải là của "hai mùa mưa" một lần biển gởi cho anh qua cuộn cassette đầy ca khúc người ca sĩ hai đứa mình cùng nghe nhiều nhất không? Có nhớ nỗi ước mong là sẽ một lần đi xem cho được một show không? biển ơi, ngày đó đã qua và ước mơ đã cũ, chuyến tầu này tiếp chuyến kia đưa người đi xa.

Nhiều đêm, bản nhạc vang dội lòng anh như chút tình để lại. Đêm vẫn tròn nhiệm vụ và thao thức đã hằn trên tóc anh, trên tim anh, trên tầm nhìn của anh, trên câu hỏi "người đi buồn hay người ở lại buồn" của anh. Tình yêu, tuổi trẻ đã bị đời sống làm mỏi mòn, đã vùi che bởi bon chen. Biển vẫn để hồn anh giòng thơ Vườn Xưa, không cần lắng nghe mà nhuốm tuyệt vọng. Mình mất luôn nơi chốn tìm về. Trong anh mịt mù lần trở lại:

"mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh,
bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc,
hai ta ở hai đầu công tác,
có bao giờ cùng trở lại vườn xưa"

Hai đường thẳng song song, phải chăng đó là an ủi trong giòng đời hẹp, cho yên giây phút nghĩ về dẫu còn đôi lần bất chợt vướng nẻo tìm nhau. Biển ơi! ra đi là mỏi mòn đuổi bắt, mỏi mòn chạy hoài trong hy vọng lần tao ngộ. Anh trở lại cái tôi đáng yêu như lần nhắn nhủ:
"tôi như trẻ nhỏ, ngồi bên hiên nhà, chờ xem thế kỷ tàn phai ..".

Thế kỷ chưa tàn nhưng phai rồi em. Người ca sĩ tụi mình cùng yêu giờ không còn nữa. Những thứ mình có hao hụt dần để bơ vơ trên từng kỷ niệm. Cuộc đời riêng ta, ngắn hay dài, vui hay buồn; đã có đường thẳng song song như ước mơ kéo nhau đi mãi.

Wednesday, August 11, 2004

Món ăn dễ làm mà khó bị khách chê là Gỏi Cuốn. Món này thực khách tự cuốn lấy cho mình những chiếc nem (cách gọi của người Bắc) hay gỏi cuốn (cách gọi của người Nam) hay cuốn (cách gọi của người North Carolina) với phần chủ yếu là thịt luộc và các thức gia giảm tuỳ ý như rau sống, bánh tráng chấm với nước mắm, hay món tương nêm có rắc chút đậu phọng.

Khi ăn bầy đủ đồ ra bàn, bánh tráng làm cuốn được rải sơ ít nước để bớt giòn, đặt trên lòng dĩa hay bàn tay. Dưới, lót xà lách cùng những rau khác, diếp cá (of course), vài cọng dưa cùng chút bún. Cho ít tôm luộc, thịt luộc nằm trên, có thêm hẹ để tăng hương vị. Xếp hai đầu bánh tráng cho gọn rồi quấn tròn. Chan muỗng mắm nêm, hay tương có bầm dứa hoặc miếng nước mắm chanh đường tỏi ớt thật cay vô chén. Chấm gỏi cuốn vào, rồi thưởng thức..Yum yum ...

Muà hè rau nhiều thì lợi dụng cơ hội độn thêm. Mùa Đông tăng cường thêm xà lách. Đãi món này này gia chủ chỉ lo nấu thịt, tôm, làm rau, mua bánh tráng. Dạo sau này bánh tráng tiến xa, cái nào cũng như nhau và không còn dai như vài năm trước. Sau đó bầy ra bàn, để thực khách lo việc cuốn. Ai muốn cuốn sao thì cuốn, tuỳ hỉ. Sẽ không ai chê vì "tự túc tự cường" .. Ai không cuốn được (hay không muốn cuốn) thì gia chủ phụ thêm cái tô cùng đôi đũa (hay nĩa) là xong. Nhớ phải có Bún và những món khác như Khế, Dưa Chuột, Giá, Hẹ. Càng nhiều thứ lỉnh kỉnh càng tăng phần quan trọng của bữa tiệc cho dẫu gia chủ chỉ cần mua; không tốn công và thời gian nấu.

Ai không ăn mặn (aka: kiêng thịt) thì tăng cường đậu hoà lan, cà rốt, su hào, su su, bắp cải, củ sắn, nấm mèo, nấm hương, đậu hũ chiên thái sợi xào sơ cho chín. Không cần nêm nếm gì cả. Bắc xuống là sẵn sàng để cuốn vào bánh tráng.

Quan trọng nhất là nước chấm. Ít người ăn thì tiêu chuẩn 2 muỗng tương đen, nửa muỗng đường, 2 muỗng nước, nấu chung với một phần tư muỗng bột tới khi vừa sôi. Đông người ăn thì cũng theo tiêu chuẩn trên nhưng thay vì bỏ bột thì lấy gạo nếp nấu với đậu trắng thành chè, xay nhuyễn ra trộn chung vào nấu. Nếu gia chủ bị sâu lười hành kinh niên mà vẫn ham vui thì thay vì luộc thịt và tôm hãy bỏ ra cái hoả lò để khách tự nhúng lấy. Ai muốn ăn tái, chín tùy hỉ. Thừa thắng xông lên gia chủ có thể thêm Bò Viên, Mực, Cá, ...

Tóm lại Gỏi Cuốn là món ăn nhẹ cho gia chủ nhất. Vừa đỡ công làm, khỏi sợ chê. Thêm nữa, nếu đãi bằng ly dĩa giấy (loại này rất thích hợp với món Cuốn) thì gia chủ sẽ có nhiều thời giờ để trò chuyện với khách ngoài phòng khách thay vì trò chuyện với khách gần chỗ rửa chén. Vậy đó bạn, Gỏi Cuốn là món không những đượm đủ tinh thần dân tộc mà còn là món đãi khách an toàn nhất. Có người thay vì dùng tôm, thịt thì dùng da heo. Đó gọi là "bì cuốn", cũng có vị ngon riêng.

Wednesday, August 4, 2004

Tôi bỏ lại khoảnh trời Phú Nhuận thơ mộng với tuổi trẻ đầy nhiệt tâm, với ngôi trường, với thầy cô bạn bè, với người mẹ hiền cùng anh chị thân thương. Dẫu một mình lang thang trên đường vắng hay trong ồn ào của thường nhật, tôi lúc nào cũng bắt gặp thoáng hiện kỷ niệm, nơi có trưa hè, nơi có con đường in dấu chân vui. Cho dẫu buổi sáng của tháng tư tôi nhìn nơi ấy lần cuối để giã từ, tôi vẫn mang đi trong từng để lại nhiều lắm. Nơi tôi đến là ngôn ngữ lạ, là những ngày tuyết, là những ngày lễ buộc lòng tôi làm quen. Ngày tôi ra đi đã xa mà tôi vẫn thấy như mới hôm qua của cậu bé lớn trên nước nghèo được quăng vào quốc gia giầu với đôi tay gầy, với đôi chân nhỏ bước mãi đoạn đường dài bỏ lại người thân sau lưng. Tôi yêu lắm mảnh đất hình cong đầy tình người bình dị, yêu buổi trưa, buổi chiều dưới hàng cây giữa cái nóng mùa hè. Và tôi đã đi, đi quá xa để ngại bước quay về vùng đất đọng đầy kỷ niệm, nơi dấu yêu tôi đã nếm.

Xoay một vòng quả địa cầu, tôi tìm lại hình ảnh Việtnam. Cho dẫu tôi đã ở xứ Mỹ này lâu hơn nhưng bên kia bờ Thái Bình Dương vẫn đậm hình ảnh gọi quê hương. Tôi như người mù sờ vào những lồi lõm của địa hình cố tìm cho mình bình yên trên nỗi thèm lần đong đưa trên võng giữa hai mùa lúa trong ánh trăng vừa chín tới. ...

Tiếng gọi đưa tôi trở lại với thực tại. Tôi nhớ ra mình đang đứng giữa thư viện đầy người. Tôi nhớ ra mình đang sống xa Việtnam. Thư viện tỉnh nhỏ vẫn đủ sách. Thiếu quyển nào thì chỉ cần cho biết tựa sách, tên người viết là vài tuần sau sẽ có cho mượn từ chỗ khác về. Nếu không có thì thư viện sẽ xuất quỹ để mua. Ước một ngày nào đó tôi sẽ hãnh diện nhìn Việtnam đẹp như vần thơ, ngây thơ trải trên nụ cười trẻ nhỏ. Và tôi, sẽ quen dần với mảnh đời xa xứ.

Tuesday, August 3, 2004

Labels: 0 comments

khi em về thời gian đầy tiếng vọng
chị gót son môi chỉ vẫn dịu hiền
em xin lại nhánh rau cần làm giống
chị nhẹ lời động rễ, sợ khó lên

khi em về nắng nghiêng cài xuân lạc
chị tóc buông vun xới góc trời sầu
em xin lại cánh diều chao gió mát
chị mỉm cười rách lắm, để vá sau

khi em về đời tha hương đã đủ
chị buông mùng cơn nắng loáng ngoài sông
em xin lại ngõ vào căn nhà cũ
chị thẫn thờ, chưa tối, chợ còn đông

khi em về tiếng kinh vang xóm nhỏ
chị lưng cong mang dáng mẹ chất chồng
em xin lại lời ru tha thiết đó
chị tay dài rung khẽ những lần chuông

khi em về xung quanh đây lạc lõng
chị vẫn còn băng bó nỗi buồn chung
em xin lại cái nhìn xưa rất rộng
chị cúi đầu, che mắt, đôi vai rung

khi em về bước nhanh trên cỏ úa
dáng chị hiền già trong nỗi chờ mong
em theo chị nắng chan lòng khe cửa
trọn đời tìm, bông đâu, hỡi diêu bông

SongVinh

Monday, August 2, 2004

"Những cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu trả lại cho thành phố không khí trong lành, mát dịu sau những ngày oi ả nóng bức. Nhưng Mẹ chúng mình cũng lại bắt đầu những cơn đau nhức rồi chị ạ!" - Em gái tôi mở đầu lá thư của mình như thế. Nó làm lòng tôi cồn lên nỗi nhớ nhà, nhớ đường phố Sài Gòn như những con sông uốn lượn mỗi khi trời đổ mưa; nhớ lũ trẻ đầu trần đuổi nhau dưới mưa, tranh cướp trái bóng nhựa xanh đỏ. Nhưng tất cả nhạt nhòa đi dưới dáng Mẹ tôi với tấm lưng cong cong vì căn bệnh gai cột sống, với đôi chân khập khiễng vì chứng thấp khớp và ánh mắt Mẹ loáng ướt khi nhìn đám con hì hụp húp tô bánh canh nóng hổi trong chiều mưa như trút nước".

Đó là đoạn viết mở đầu của bài Mưa Sài Gòn post lúc 09:24' 20/05/2004 (GMT+7) của tác giả Huyền Trâm (Thượng Hải) trên một web site mà tôi tình cờ lạc vào qua ngõ của search engine. Tôi lại click vào mouse, đi qua trang khác, lại có những giòng buồn. Lại click vào mouse, lại đi qua trang khác, lại đọc những giòng buồn. Từ web site này qua web site khác, tôi thấy nỗi buồn trải rộng, chạy dài rồi nỗi buồn vươn tay chụp tôi nhận chìm. Đêm đã khuya và tôi vẫn lang thang trong từng giòng chữ để lại. Bên ấy chắc trời qúa trưa. Thời gian, nơi chốn có khác nhưng sao kiếp người giống nhau. Tôi ra đi mất cả quê hương, mất cả Sàigòn thì ở đó cũng có người xa quê bỡ ngỡ trong thành phố mang tên của bác. Tôi nghiệm ra chẳng phải ở đâu, chẳng phải lúc nào, chỉ cần nhắm mắt của khối óc lại rồi mở mắt của con tim ra, mình sẽ thấy xã hội con người đầy niềm đau. Vậy đó, chỉ một chút; một chút thôi rồi trở lại thực tại sẽ thấy mình vẫn hạnh phúc với những gì mình may mắn có được. Ít ra mình cũng còn ngày hôm nay để nghĩ đến ngày mai sẽ đến. Tủ sách tôi khá nhiều sách nhưng từ lâu tôi đã ngừng đọc vì mỗi lần đọc là tôi lại cảm nỗi sầu chếnh choáng. Thôi đành chậm lại, như câu thơ trên bìa sách:
"dở nhè nhẹ kẻo nàng thơ tỉnh giấc
đọc từ từ đừng kinh động chàng văn"