Sân chơi của lãng du

Thursday, June 30, 2005

The year 2029:

  • Ozone created by electric cars now killing millions in the seventh largest country in the world, Mexifornia formally known as California.
  • Spotted Owl plague threatens northwestern United States crops and livestock.
  • Baby conceived naturally ...scientists stumped.
  • Couple petitions court to reinstate heterosexual marriage
  • Last remaining Fundamentalist Muslim dies in the American Territory of the Middle East (formerly known as Iran, Afghanistan, Syria and Lebanon).
  • Iran still closed off; physicists estimate it will take at least 10 more years before radioactivity decreases to safe levels.
  • Castro finally dies at age 112; Cuban cigars can now be imported legally, but President Chelsea Clinton has banned all smoking.
  • George Z. Bush says he will run for President in 2036.
  • Postal Service raises price of first class stamp to $17.89 and reduces mail delivery to Wednesdays only.
  • 85-year, $75.8 billion study: Diet and Exercise are the keys to weight loss.
  • Average weight of Americans drops to 250 lbs.
  • Massachusetts executes last remaining conservative.
  • Supreme Court rules punishment of criminals violates their civil rights.
  • Average height of NBA players now nine feet, seven inches.
  • New federal law requires that all nail clippers, screwdrivers, fly swatters and rolled-up newspapers must be registered by January 2036.
  • Congress authorizes direct deposit of formerly illegal political contributions to campaign accounts.
  • IRS sets lowest tax rate at 75 percent.
  • And last but certainly not the least: Florida voters still don't know how to use a voting machine

Wednesday, June 29, 2005

Labels: 0 comments

Freeport, 2005; Maine, tôi

giọt sương ướp nẻo lạ nhà
hồng thơm biển lạnh tiếng phà gọi nhau
bóng chim lẻ bạn chân cầu
cội nguồn vỗ sóng đá sầu rong rêu
phà đi đời gởi quá nhiều
vòng tay tiễn biệt buổi chiều tóc phai

(người đi bước dỗi bước dài
bước tìm bước trốn bên ngày lẹ trôi)

về thêm kỷ niệm chốn ngồi
chốn em để lại chốn này nhớ nhau
chốn tôi bốn phía dãi dầu:
xuân, đau; hạ, nhức; thu, sầu; đông, ho

Song Vinh

Thursday, June 16, 2005

Labels: 0 comments

một trăm hăm bẩy chấm mười ba chấm bẩy chấm năm mươi (127.13.7.50)

Em mang lòng điện toán
Anh xấp ngửa nhị phân

Những dấu chấm bây giờ
(trong thời đại này, trong thế kỷ này, trong thời điểm này)
không còn là kết thúc
mà là tiếp từ không gian này dẫn qua không gian khác
làm anh bơ phờ
chạy mệt nhoài trên màng lưới em giăng

Em mang lòng điện toán
Anh kẹt nỗi vô vàn

Từ trên xuống dưới từ dưới lên trên
đường dài vạn dặm tắt mở cuộc vui
quanh quỹ đạo tình lờ
(khi server anh đã lỡ
virus nở giữa kernel)

Em mang lòng điện toán
Anh mầm độc chờ ngày

một trăm hăm bẩy
chấm
mười ba
chấm
bẩy
chấm
năm mươi

anh vẫn nghĩ một ngày
em sẽ cho anh reboot
không phải để làm lại từ đầu
mà để thử xem có còn được như xưa

Song Vinh

Labels: 0 comments

một trăm hăm bẩy
chấm mười ba
chấm bẩy
chấm năm mươi
(127.13.7.50)

Em mang lòng điện toán
Anh xấp ngửa nhị phân

Những dấu chấm bây giờ
(trong thời đại này, trong thế kỷ này, trong thời điểm này)
không còn là kết thúc
mà là tiếp từ không gian này dẫn qua không gian khác
làm anh bơ phờ
chạy mệt nhoài trên màng lưới em giăng

Em mang lòng điện toán
Anh kẹt nỗi vô vàn

Từ trên xuống dưới từ dưới lên trên
đường dài vạn dặm tắt mở cuộc vui
quanh quỹ đạo tình lờ
(khi server anh đã lỡ
virus nở giữa kernel)

Em mang lòng điện toán
Anh mầm độc chờ ngày

một trăm hăm bẩy
chấm
mười ba
chấm
bẩy
chấm
năm mươi

anh vẫn nghĩ một ngày
em sẽ cho anh reboot
không phải để làm lại từ đầu
mà để thử xem có còn được như xưa

Song Vinh

Monday, June 6, 2005

Nếu không có sự ân cần nhắc nhớ nơi người em tuy không cùng cha nhưng khác mẹ phương xa, nơi tôi gọi là xứ "mặt trời bên kia mùa Hạ", thì tôi đã chẳng sẽ thể nào biết được ngày Phật Đản năm nay rơi vào chỗ nào trong quyển lịch tây phương. Tôi biết Phật Đản là ngày lễ trọng của Phật tử. Nhưng ở đây; ở thành phố chật, chội tình cảm với ngôi chùa khiêm tốn mà lại thêm ít khách thập phương thì Phật Đản kém đi rộn ràng dẫu vẫn luôn trang nghiêm. Cho dẫu tôi mù mờ về chính xác ngày của lễ này nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến Phật Đản nơi quê nhà khi có cơ hội đi lễ chùa. Phật Đản nơi quê nhà đông, vui. Phật Đản nơi quê nhà rộn rã với những hội với những xe hoa. Dẫu có những năm bị lèn ép, Phật Đản nơi quê nhà vẫn là Phật Đản.

Tôi không bao giờ dám nhận mình là Phật Tử. Lý do giản dị là khi đến chùa hay ăn chay, là tùy hứng riêng tôi. Thêm nữa, Phật tử là phải có pháp danh cho dẫu qua đây nhiều pháp danh đã chuyển thành mỹ danh. Phật tử là phải đi chùa đều đặn, phải ăn chay, phải không được sát sinh, phải diệt hết thất tình, phải thế này, phải thế nọ, phải từ tâm, phải bao dung, phải đừng thấy đồ free mà gom hết về nhà, hãy nghĩ đến mà để lại cho kẻ khác, đừng tham, đừng lam, đừng sân, đừng si, đừng nghĩ là đi tu để được cái này, cái nọ về sau, vân vân và vân vân.. Những cái phải đó tôi không có mặc dù tôi không bao giờ sát sinh và thất tình thì lúc nào tôi cũng dồi dào cho dẫu lòng luôn muốn tránh. Nếu bắt tôi chọn đường tu, tu mãi tôi sẽ thành tinh. Hoặc như kiểu cá chép vượt ngũ môn hoá rồng, tôi vượt qua sẽ hoá rắn.

Trở lại vấn đề, mà vấn đề là vấn đề gì đây? Đã nói là "để gió cuốn đi" mà. Cứ theo hứng mà biên, "kỹ thuật" văn phạm dẹp một bên .. Lo gì! Dù rằng đạo công giáo quyến rũ tôi hơn với những bài Thánh ca, với những vần thơ, với những giáo đường khi còn ở Việt nam. Để như vận mệnh khi vượt biên sống tị nạn tôi đã gắn sâu, thật sâu, vào đạo công giáo. Nhưng soi thâm tâm, có lẽ không phải là đạo 'gốc' cho nên tuy gắn sâu trong tôi đi xa vẫn là về gần. Về với từng ngôi chùa đơn sơ nhưng chất chứa quá đầy kỷ niệm. Về với thiết tha của chuỗi ngày mới lớn theo chân anh tôi đến gắn điện cho từng ngôi chùa ngoại ô hẻo lánh.

Thuở đó, vì may mắn nên tôi được đến trường và đoạn đường học vấn của tôi trôi rất an lành. Tôi lớn lên vây quanh là những giản dị, hồn nhiên. Tuổi trẻ của tôi nói chung là chỉ biết học và lớn thêm là tập tành biết "yêu". Chữ yêu trong ngoặc kép của mối tình thuần túy Việt-Nam của Thời-Trung-Học chứ không phải chữ yêu buông theo thả lỏng của tuổi trẻ bên xứ tân tiến này. Xin đừng cho tôi bảo hủ (hay bảo vại); tôi vẫn trang trọng những người với những cuộc tình "hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn".

Ba tôi mất sớm nên mẹ tôi thêm vất vả lo cho đàn con. Cho dẫu những đứa con đều ngoan, đều tìm cách đỡ cho mẹ. Nhưng đời sống của người không cơ nghiệp và những kẻ mới tạo cơ nghiệp cũng mệt mỏi nhiều trong mảnh đất mà cơ hội là những gì quá hiếm, hiếm như tìm trầm trên mảnh rừng bị thuốc khai quang. Vì con út nên tôi cũng tạm được tha cho phần lo để tuổi thơ của tôi lúc nào cũng đầy những trò chơi, đầy tình yêu của mẹ quanh những anh chị hiền hoà nuôi tôi. Tôi lớn dần trong chiến tranh của hai miền đang tới kỳ căng thẳng.

Chúng tôi đùm bọc nhau trong niềm đạm bạc của "con mất cha như nhà mất nóc". Cho dẫu ba tôi đã ra đi nhưng những lời răn dạy, dặn dò vẫn còn đó, vẫn được chúng tôi thi hành triệt để. Từ lối đi đứng, lúc ngồi ăn, lúc thưa chuyện khi sanh tiền ba tôi rất khe khắc. Có lẽ nhờ vậy mà sau này tôi, coi như, thành công trên nẻo đời nhờ những răn dậy quý báu đó. Trong đùm bọc của mái ấm nhỏ nhoi, mẹ tôi lúc nào cũng gượng vui trong nỗi mất.

Ở Việt Nam dạo trước 75, khi học xong lớp đệ nhị thì phải thi Tú Tài phần I. Đậu thì lên học lớp đệ nhất để thi Tú tài phần II. Xong thì sẽ lên đại học. Tôi không dám tự hào nhưng may mắn đỗ được tú tài hạng Ưu dẫu lúc nào cũng "chậm hiểu mà mau quên". Thế là tôi hiên ngang vào học đệ nhất. Trông rõ là người lớn. Nhưng những bạn bè tôi có những kẻ không may nằm xuống, những cuộc biểu tình, những chán nản của tuổi trẻ trước một tương lai làm tôi bắt đầu bê tha từ đó. Chưa kể hút thuốc, rượu, đánh nhau, lê la vào những quán cà phê, đi nghêu đi ngao và, bỏ học.

******

Một trong những cái làm mẹ tôi phải lòng bố tôi là tính tự lập. Cái tính đó ở mức số mười nơi bố tôi để đọng lại thành hai mươi nơi mẹ tôi rồi truyền qua lũ tôi là thành chẵn ba chục. Phải cần lắm mẹ tôi mới khẽ gợi vài câu. Những khi muốn đi chùa, những khi cần đi thăm họ hàng, hay tảo mộ đều là những 'vấn đề' với mẹ, không dễ dàng như nhưng người khác. Giữa lớp đệ nhất, mẹ tôi lên chùa thỉnh về một ông Phật. Ông anh tôi chọn cái tủ cao nhất. Dọn cái tủ rồi sửa lại phần trên làm bàn thờ Phật cho mẹ tôi. "Trông cũng tươm tất lắm" anh tôi tự hào. "Vậy là mẹ khỏi cần phải đi chùa, ở nhà đã đủ .. Tu đâu cho bằng tu nhà" anh tiếp lời. Tôi đứng bên cạnh im lặng. Ông Phật cuả mẹ tôi trông hơi nhỏ. Ông Phật của người ta có nạm vàng ở cái đế ngồi, ông Phật của mẹ tôi thì không. Một thoáng nhìn anh đã thấu những giòng tư tưởng chạy quanh đầu óc chậm khôn của tôi. "Thôi tụi con đi làm, mày xong chưa? tối nay tụi con về" anh tôi nói vội rồi kéo tôi theo.

Kết quả của những ngày bê tha làm tôi thi hỏng Tú Tài đôi đợt nhất. Cả nhà tôi ai cũng buồn. Đỗ lỗi học tài thi phận. Mẹ tôi dấu nhưng vẫn để lộ nhiều nét lo âu. Tôi hiểu câu "Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu, thi hỏng mất rồi, ta đợi ngày đi,..". Ngẫm đi, tôi chán cuộc đời, ngẫm về tôi còn cơ hội cuối cùng là kỳ thi tú tài đôi đợt nhì và còn người mẹ, tôi chưa muốn đi xa. Thế là tôi quyết tâm đóng cửa luyện công. Đóng cửa phòng, tôi biết tôi còn 3 tháng để học và thử thời vận thêm lần nữa. Nói là phòng cho sang chứ trong nhà tôi, phòng được dựng lên bằng tấm vách mỏng cao quá đầu người, phía dưới hở khoảnh vài tấc, thêm cửa ra vào. Không như bên này, phòng là chỗ kín.

Từ khi thỉnh Phật về, mẹ tôi đều đặn đến tối là quấn lại tóc, trang trọng mặc vào người chiếc áo nâu, rồi ngồi tụng kinh. Lúc đầu mẹ tôi tụng chậm, nhiều tiếng ề à vì bà chưa quen mặt chữ. Sau mẹ tôi tụng nhanh hơn. Tiếng kinh hoà theo khói nhang làm tôi xao động. Cho dẫu qua một ngày miệt mài quật lộn với sách vở, tôi vẫn cảm thấy yên lành mỗi khi mẹ tôi tụng kinh. Cho dẫu, những lời kinh như những câu thần chú, tôi nghe để mà nghe thôi chứ hiểu thì tôi vẫn biết tôi chưa đủ sức.

Một hôm, tôi phá lệ bỏ ra Sàigòn đi chơi một buổi. Nhìn người qua lại trên phố, nhìn những cặp tình nhân, những nhóm người tôi mới thấm hiểu thế nào là cô đơn khi tự chính mình quyết tâm rời bỏ bạn bè, tạ từ người yêu mà không lời cắt nghĩa. Thôi thì khi mình làm, mình chịu, cũng chỉ vì trót nhiễm cái phần tự lập cỡ 30. Tôi lang thang vào khu chợ lớn rồi vòng lại Sài gòn xem xi nê. Trước khi về tôi ghé vào tiệm cắt kiến đặt cắt một khung kính vừa tầm che cho ông Phật của Mẹ tôi. Gần tối, tôi về trèo lên đầu tủ bỏ khung kính vào ông Phật. Bảo với mẹ cho đỡ bị bụi. Mẹ tôi thoảng vui. Với tôi, bụi vào ông Phật điều phụ, sợ mẹ thấy tượng bị dơ mà trèo lên lau bụi rồi có chuyện gì, là điều chính.

Anh tôi về vừa thấy khung kính là nửa đùa nửa thật với tôi "thôi từ này ông Phật của mẹ lâm cảnh cá chậu chim lồng rồi.." .. " sao mày nỡ nhẫn tâm nhốt ông Phật của mẹ" .. "mày bao ổng kỹ như vậy thì làm sao ông ấy nghe được kinh của mẹ? ". Dẫu anh em tôi đùa nhỏ, riêng với nhau, đêm đó mẹ tôi tụng kinh, giọng lớn hơn mọi bữa. Tôi không cần phải lắng nghe nữa khi lời kinh rót thẳng vào tai. Trên trần nhà, những con thằn lằn bò ra nghe. Chúng nằm bất động. Anh tôi bảo chúng say nhang. Tôi không nghĩ nghư vậy. Tôi nói đó là những con thằn lằn chọn nghiệp. Bàn thờ Phật thì lúc nào cũng thắp nhang, chỉ những khi mẹ tôi tụng khinh thì chúng mới bò ra, nằm yên như thể nghe. Khi mẹ tôi tụng kinh xong, dẫu vẫn còn nhang, lũ thằng lằn cũng biến mất. Tôi lại khác lũ thằn lằn, kể từ ngày đó đã dậy sớm hơn để học bài và chập chờn khi mẹ bắt đầu tụng kinh rồi ngủ dần theo mùi nhang. Ngày tháng trôi và ngày thi kỳ Tú tài đôi đợt nhì của tôi về dần. Mẹ tôi càng ngày cằng tụng lớn hơn và khuya hơn trong khi tôi càng ngày càng ngủ nhiều thêm.

Có lẽ trục trặc trong vấn đề tình cảm nên anh tôi buồn, ít nói hơn mọi khi. Một chiều anh tôi về lần đầu tiên nhuốm hơi rượu và lần đầu tiên, tôi thấy anh tôi hơi xẳng cùng mẹ .. "Mẹ tụng kinh lớn quá làm sao thằng con út của mẹ nó học được? Thi hỏng là mẹ phải lo thăm nuôi nó đó". Tôi cảm thấy buồn vô cùng. Nhưng anh tôi, tôi biết đã buồn hơn, hối hận hơn. Rồi vì đã nhiễm cái phần tự lập cỡ 30 anh tôi chỉ lèn chặt trong lòng. Mẹ tôi thì bắt đầu tụng nhỏ lại, nhưng lại tụng lâu hơn. Có đêm, ngủ rồi thức, thức rồi ngủ; tôi vẫn nghe lời kinh của mẹ. Nhìn lên trần, dưới ánh nến mù mờ là những con thằn lằn nối đuôi nhau nằm im lắng. Cứ thế, lời kinh của mẹ chen theo bài vở dẫn tôi đi bước thấp bước cao, bước dài bước ngắn, bước chậm bước mau của 3 tháng miệt mài học thi.

******

Đúng như lời ba tôi thường nói lúc sinh tiền: "Hễ không làm thì thôi, đã làm thì phải bỏ hết công sức ra làm, rồi may mắn sẽ có". Sau chuỗi ngày đánh vật cùng bài vở tôi đã, may mắn, thi đậu bằng tú tài đôi kỳ hai. Dẫu đến muộn, dẫu những kỳ thi tuyển vào một số lớn các trường đại học khác đã quá hạn tôi vẫn vui trên niềm vui không nhỏ riêng tôi. Nhưng không bì được với anh tôi. Sau thời gian dài trầm lắng anh đã hết buồn. Bây giờ với anh là thêm nhiều, thật nhiều cô bạn gái xinh xinh đến thăm (đôi khi ở lại .. cả ngày, để phụ chị tôi). Chủ trương mới của người anh, đẹp trai trên trung bình, là đừng nên bắt cá hai tay mà phải lấy rổ mà xúc, đôi khi lấy lưới mà chài. Nhờ chủ trương đó anh tôi trở nên phong lưu, cảnh "gươm lạc giữa rừng hoa" là cảnh thường. Những anh chị khác của tôi cũng yên ấm với đám con khoẻ mạnh. Đời sống chúng tôi vui hơn, khấm khá hơn. Nhưng mẹ tôi vẫn vậy, vẫn chắt chiu, vẫn lo cho đàn con và vẫn xập tối thì trang trọng quấn lại tóc, mặc chiếc áo nâu rồi thắp nhang tụng kinh. Niền vui mới của bà là khi có tiền thì đóng vào thêm cho miếng đất mua trả góp nằm cạnh ba.

Ngày 30 tháng Tư 1975 là ngày làm gia đình tôi rã, tan thành từng mảnh. Phần tôi, tôi lên đường tị nạn chộn rộn tấc lòng cam chịu làm kẻ tha hương. Cuộc đời tôi coi là chính thức tự lập từ đó. Những tháng năm đầu cuộc sống hải ngoại là những tháng những năm mà tôi không biết tôi đào đâu ra cho đủ từng can đảm để vượt sống. Sau nhiều năm đi làm tôi trôi dạt về một ngôi trường nhỏ ở ngoại ô tiểu bang nằm chính giữa nước Mỹ. Trường tuy nhỏ nhưng cũng đủ những người Việt từ các tiểu bang xa tụ về, sống đạm bạc nuôi hy vọng sẽ một ngày tương lai khá hơn. Mỗi người trong lũ tôi là thế giới riêng, ràng lại với nhau chỉ vì cùng mầu da, phong tục, cùng tiếng mẹ đẻ mang theo qua xứ này. Đôi lần phong tục cùng tiếng Mẹ đáng yêu đó được nhiều kẻ vùi quên cho dễ dàng sang đời sống mới. Mùa đông ở đây dài và lạnh, nỗi lòng người viễn xứ hiu hắt theo năm đi. Mỗi lúc Tết về là những lần vui mượn. Thêm trong tôi tiếng kinh tụng hằng đêm đã không còn được nghe nữa. Tôi lẫn lộn giữa cái này, giiữa cái nọ và cứ thế; cứ vừa lẫn vừa lộn vừa đi. Đi dần theo thời gian để trưởng thành theo cuộc sống để mang biệt danh ngoại kiều. Để những lúc vọng về quê hương dấu yêu mà ai đó an ủi bằng bốn chữ "quê hương mang theo". Từng thành phố tôi ở rồi chìm dần trong dĩ vãng sau vài tháng khi yên ổn nơi thành phố đến. Như lời nguyền của kẻ bị xử oan, thời gian bên này trôi nhanh, nhanh hơn chớp mắt để quanh đi quẩn lại đã hơn đôi chục năm. Câu; "năm năm rồi đi biệt" vẫn là khoảnh thời gian ngắn mỗi khi được nhắc đến.

Thời gian trôi, trôi mãi. Kỷ niệm của tháng ngày thơ ấu phai, nhạt dần bên vùng đất đầy người xa, lạ để không còn gì, có gì thay; thế vào. Những giọt kinh năm xưa hụt hẫng trong tôi, trong tâm tư kẻ miệt mài đi tìm quên. Những giọt kinh khác còn sót lại mất dần theo mỗi thu dọn hành trang khi giã biệt thành phố buồn này đi qua thành phố buồn khác. Chất chồng mãi trong tôi là những mất thêm người thân, bạn bè. Đời sống mặt phải là vậy. Mặt trái thì tình cảm tuổi thanh xuân đầy đủ những vội nở rồi tắt. Như màn đêm xoay vòng niềm sống đong chia ly. Đôi khi tiễn đưa được kéo dài ra bởi những lần mong thư, nhũng cú điện thoại viễn liên rồi theo khoảng cách, theo thời gian thưa dần, chìm khuất như bóng chim tăm cá. Tôi vẫn có những người yêu cạnh những người yêu tôi, vẫn có cuộc tình theo vết chân nhau. vết chân không là của lần tan trường mà là thăng trầm nơi công việc. Cứ vậy thời gian theo thời gian trôi nhanh. Những người tôi yêu theo hướng những người yêu tôi làm tôi miệt mài chạy đuổi để tìm gần mà lại xa thêm. Trong bơ phờ của tất cả, tôi thèm lắm một câu trách, một lời dạy của mẹ tôi. Thèm lắm một ngày về thăm, thèm lắm một vệt vôi trên trán khi nghĩ về của những tháng trời trở heo may. Nhiều đêm ngủ rồi tỉnh tôi nghe vọng thoảng lại lời kinh để chợt bừng tỉnh bàng hoàng trong quạnh vắng. Rồi, như cơn ác mộng không biết trúng giờ trùng đã thành sự thật, đã chạy vào thực tại để cuộc sống tôi từ đó mang nỗi buồn miên viễn, mang thêm phần thưởng của đóa hoa hồng mầu trắng. Chạy trốn lễ Vu Lan là chuyện tôi vẫn làm và Mother's day là ngày mà tôi nghe lòng trĩu nặng

******

Ngôi chùa nhỏ nơi thành phố lớn nhất cuả tiểu bang bên bờ Đại Tây Đương này không những ngày càng vắng mà còn thêm nhiều lời ra tiếng vào. Riêng tôi, khi buộc phải đến chùa, tôi chỉ lang thang nhìn hoa nhìn lá ngoài chùa, nhìn đã rồi mới vào chánh điện, xá vài xá gọi cho đủ lệ rồi kiếm cớ đi ngắm cảnh tiếp. Thông thường, lễ xong sẽ có thụ chay. Tôi tránh vào lễ nhưng hễ thụ chay là có mặt vì lúc nào tôi cũng thích ăn đồ chay, thích ngắm từng kỹ thuật trình bày của món ăn chay. Nhiều miếng đậu hũ làm khéo đến độ trông cứ ngờ như miếng thịt. Phải ăn mới biết không phải.

Qua từng năm kinh tế sụt thấp, chùa không những vắng đã đìu hiu hơn. Năm sau, chùa mang thêm cái tang của một Thượng Toạ đã vì đạo pháp, vì dân tộc, vì đất nước; mà tự thiêu. Theo chỗ tôi biết thì đó là Thượng Toạ thứ nhì, cũng là người Việt đầu tiên tiên trên đất Mỹ; tự thiêu. Rồi chu kỳ đời sống, tôi lại dọn qua thành phố khác. Bỏ lại căn nhà tôi dầy công trồng nhiều loại cây tôi thích cạnh nhiều loại hoa tôi yêu. Bỏ lại căn nhà có vườn sau trồng không thiếu loại rau nào với nhiều kỷ niệm, bỏ lại nơi tôi ở lâu nhất kể từ khi rời quê nhà.

Qua thành phố mới sau khi ổn định, tôi bắt đầu trồng lại những cây tôi thích, những hoa tôi yêu cùng vun xới lại vườn sau. Tôi hiểu câu "kính cung chi điểu" lắm nhưng tôi hiểu thêm nếu mình phải dọn đi thêm lần nữa, kẻ mua nhà của tôi sẽ đỡ công làm, chỉ vậy mà hưởng nếu không muốn làm thêm. Cứ vậy thời gian trôi. Đời sống mới của tôi tạm an bình nhưng hễ mỗi lần hình bóng ngôi chùa nơi thành phố mà tôi để lại đến trong tầm thức, tôi lại hình dung dáng gầy nhân từ cuả một thiền sư mà tôi đã, nhiều hơn đôi lần, may mắn gặp và cúi mình chào. Khoảng cách cùng lòng thiết tha chưa tha thiết làm những dịp đến ngôi chùa xưa, dẫu đến để ngắm cảnh và thụ chay chứ không bao giờ vào lễ; của tôi, đã trở nên hiếm hơn.

Như con thằn lằn chọn nghiệp, một ngày Phật Đản may mắn rớt vào cuối tuần đưa bước lãng du của tôi trở lại chùa. Sau khi lòng vòng ngắm ngoại cảnh xem có gì thay đổi tôi lân la vào chánh điện xá cho đủ lệ rồi lỉnh ra ngoài ngắm tiếp. Cảnh ngoài chùa lúc nào cũng giúp tôi tìm bình yên. Từ cụm hoa thơm cho tới cành trúc dẫn qua hồ sen đều được tôi quan sát kỹ lưỡng. Chốn nào cũng đầy dấu tay chăm sóc dưỡng nuôi của kẻ yêu thiên nhiên. Tôi nhớ người tụ trì trước, sắp giờ lễ là sai người ra mời khách thập phương vào chánh điện. Chính sách này áp dụng vào tôi cùng một số thập phương khác không hiệu quả lắm. Vì với tôi, sau lời mời, cũng đi về chánh điện nhưng khi đến gần chánh điện là có những ngoại cảnh khác lôi tôi đi ngắm tiếp cảnh chùa.

Năm nay, người sư tụ trì với chiếc lưng khòm cong nhưng vẫn còn tráng kiện nhìn gương người đi trước đổi chiến thuât, ông sai người ra mời khách sau khi mời xong sẽ "hộ tống" khách vào chánh điện. Vì lẽ đó, tôi không giở trò "quẹo" được như thói quen khi có một người xinh như hoa đi kèm sau lưng. Vào chánh điện tôi lúng túng tựa quỷ có ba đầu sáu tay mười hai con mắt đành len lén chọn góc đứng đằng sau. Ai đó dúi tay tôi quyển kinh. Cầm lấy, tôi mân mê mở ra xem che nỗi lúng túng. Khách vào đông, đông dần, chỗ đằng sau của tôi từ từ di chuyển lên chỗ chính giữa. Lễ cầu kinh bắt đầu. Hương nhang, tiếng mõ tiếng chuông lôi tôi trở về những ngày, những tháng của chuỗi thời gian học thi Tú Tài đôi. Tiếng kinh nghe quen quá. Tôi lẩm bẩm đọc theo, ngượng ngập, ...Rồi bất ngờ như nưóc phá bờ, lời kinh rời rạc những phút đầu trở thành trơn tru chạy thẳng ra cửa miệng qua kinh ngạc của tôi. Tôi thuộc, đã thuộc nằm lòng lời kinh lúc nào mà tôi không hay. Quyển kinh mở trên tay, tôi đọc theo. Quyển kinh gấp lại tên tay, tôi đọc theo. Lòng nhàn nhã trôi theo tiếng kinh. "Nam Mô Đức Bổn Sư Phật thích ca mâu Ni" tôi lập theo và lập theo bên thời gian ngừng lắng. Nỗi bất ngờ khi nhận mình thuộc nằm lòng những câu kinh sớm qua để tôi tan theo tiếng kinh tập thể. Tôi nghĩ đến những con thằn lằn năm xưa. Khi mẹ tôi gióng lên tiếng chuông đầu đều có mặt chúng. Rồi chúng ngoan lành uống lời kinh. Tôi bây giờ cũng ao ước được như thằn lằn xưa. Tan lễ, thụ chay xong mọi người đổ ra về. Tôi cũng lái xe theo giòng xe. Kẹt xe nhiều lúc cũng có thi vị của nó. Vừa lái tôi vừa nghĩ đến những con thằn lằn chọn nghiệp.

Thời gian lại trôi theo vận tốc riêng nó. Công việc và đời sống của tôi lúc lên lúc xuống theo đúng nghĩa phần số kiếp người. Thỉnh thoảng, tôi rì mò ra vài bài thơ, thẩy cho những báo trên trời. Từng những lần viết, tôi tránh đề cập đến chính trị vì đụng đến sẽ có ngộ nhận. Dẫu vậy, tôi vẫn đinh ninh khi thành phố đổi tên lại thành "Sàigòn" thì tôi sẽ về. Nhưng, lại nhưng!, theo kinh nghiệm, đừng bao giờ nghĩ những chuyện không bao giờ xẩy ra sẽ không xẩy ra. Đùng một cái, tôi có dịp trở lại Sàigòn sau hơn phần tư thế kỷ sống nơi hải ngoại. Dù công việc bề bộn và thời gian quá eo hẹp tôi cũng sắp xếp để vào Sàigòn thăm anh chị tôi. Anh chị tôi đỡ cực nhọc nhiều khi những đứa con, đứa cháu đã lớn, đã có gia đình, đã thành tài, thành nhân. Mẹ tôi, tôi biết rất vui khi thấy con cháu đầy đàn, yên ổn, hiếu thảo và, làm nên như vậy. Căn nhà xưa thì không còn nữa, để tôi ngậm ngùi:

" về trong hờ hững câu chào
hỏi người hàng xóm lối vào nhà xưa
âm thầm cây phủ rừng thưa
dăm ao nước đục rặng dừa thân quen

ngó quanh xóm đã lên đèn
bước lên thềm cũ đêm giăng bốn bề
ngày đi không dám hẹn về
ngày về bỏ rớt câu thề phôi phai

nhà xưa đã vắng mắt ai
chỉ còn bụi ớt so vai đứng chào
ngồi châm thêm dĩa dầu hao
bóng xiêu vách đất lòng chao đảo buồn

chợt nghe tiếng dế thân thương
ngó ra đụng đám mù sương mịt mù
đàn bù rầy vẫn hình như
thay nhau cõng những giọng ru mẹ già

chợt nghe tiếng động quanh nhà
hỏi ai ? gió bảo: đời là hư không
nhà xưa người nhớ người mong
nhà nay cũng có người trông người chờ"

Nhà anh tôi cách nhà xưa không xa. Lũ tôi gặp nhau mừng vui chan hòa. Anh tôi tóc đã bạc đã thưa bên tóc tôi không còn xanh nữa. Nhìn bàn thờ với hình ảnh song thân, dẫu dặn mình con trai, tôi vẫn không ngăn giòng lệ. Nhìn qua bàn thờ bên kia, qua màn lệ tôi thấy tượng ông Phật ngày xưa. Loáng thoáng nghe anh nói nhanh với người vợ đang vội vã nấu bữa ăn đãi khách "Thôi tụi anh ra chùa thăm Ba Mẹ ..mày xong chưa? em ở nhà lo cơm, chút tụi anh về". Tôi lễnh mểnh theo anh đi, bóng anh và tôi đổ dài trên con đường cũ như những ngày hai anh em tôi mới lớn.

(viết sau ngày phật đản, 2005)
Song Vinh