Sân chơi của lãng du

Wednesday, December 21, 2005

  • Nếu nhà nghèo, đó là số của mình. Nếu nhà bên vợ nghèo, đó là sự ngốc nghếch của mình.
  • Ai cũng nên lập gia đình vì hạnh phúc không phải là thứ duy nhất trên đời này.
  • Tiền bạc không mua hạnh phúc cho nên người ta mới nghĩ đến credit card.
  • Sau lưng người đàn ông thành công là một người đàn bà. Sau lưng người đàn ông không thành công là 2 người đàn bà.
  • Không nên trì hoãn đến ngày mai những gì có thể trì hoãn hôm nay.
  • Nên tìm cách nào đó để bắt đầu một ngày mới mà không phải thức dậy.
  • Làm việc chăm chỉ không giết chết ai! Nhưng tại sao phải chấp nhận chuyện đó?
  • Công việc làm tôi hứng thú. Tôi có thể ngồi nhìn nó hàng giờ.
  • “Ăn chay”, theo từ vựng xưa có thể hiểu là “thợ săn dở”.
  • TV làm tôi hiểu biết nhiều hơn. Mỗi lần có ai mở TV là tôi qua phòng khác tìm sách mà đọc.
  • Và,
o Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
o Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
o Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
o Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
o Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
o Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý"
  • Cuối cùng:
Ba người đàn ông chết trong một vụ tai nạn và cùng lên Thiên đàng. Đến nơi, Thánh Peter nói:
- Ở đây chỉ có một luật lệ: Không được đạp chết vịt!
Bên trong Thiên đàng cơ man là vịt, thật khó mà tránh được chúng. Được vài bước chân, một người trong số họ đã lỡ giẫm chết một con. Thánh Peter xuất hiện cùng một người phụ nữ rất xấu xí, xích họ lại với nhau và nói:
- Hình phạt dành cho anh là phải sống suốt đời với người đàn bà này.
Ngày hôm sau, người thứ hai cũng đạp chết vịt và ông Thánh xích anh ta với một người phụ nữ cực kỳ xấu xí khác. Người thứ ba hết sức thận trọng mỗi bước chân. Anh ta tránh được xui xẻo trong một thời gian dài. Một hôm, Thánh Peter mang anh ta đến gặp một cô gái tóc vàng đẹp hoàn hảo, xích họ lại với nhau rồi bỏ đi mà không nói lời nào. Người đàn ông thắc mắc với cô gái:
- Không hiểu tôi đã làm gì để may mắn được sống với cô nhỉ?
- Tôi không biết anh làm gì, nhưng tôi đã đạp chết một con vịt.

(Theo Khám phá)

Wednesday, December 14, 2005

Labels: 0 comments

Còn đó phố người

thôi em về
chiều rừng phong gió cuộn
buồn trên buồn
thả lá theo chân
đời chao bóng lẻ
anh biết rồi
khoảnh vườn xưa cây chớm gìa theo năm
vết ngập bùn
mang đời làm lại

thôi em về
vườn cổ tích xưa loài cây leo đã đủ
ấm lại kiếp tu
đời trốn đạo
con dốc nối dài nốt nhạc thương
cũng con đường
mà ánh đèn chợt úa
đêm dỗi đêm cùng
khuya đã cũ

thôi em về
thành phố đợt đi xóa nhoà kỷ niệm
chút sóng buồn trên giòng sông trốn biển
giọt bia nào
còn đọng khoé môi nhau

thôi em về
gã thổi kèn saxophone đã ngã
con phố mùi cà rem
giữa đêm vị bia đã khác
tụi mình trên trùng trùng trùng môi nhớ
vẫn mãi song song

Song Vinh

Monday, October 31, 2005

Tháng Mười, phố chật trở mình trong heo may với vài khoảnh đất sót lại được người ta bầy bán đầy những trái bí đỏ. Buổi chiều trước ngày lễ Halloween trên lối về nhìn những trái bí đủ cỡ cạnh vài người lớn vây quanh là trẻ nhỏ tự dưng chợt nghĩ không biết họ sẽ làm gì khi qua ngày sau với những trái bí, quá nhiều của hôm nay, nằm chờ bên lưa thưa người lựa. Bí ở đây không phải để ăn mà để chơi vài giờ dẫu rằng nằm đó đủ vài ngày rồi vào thùng rác. "Một sớm lên đường Mẹ ra sau vườn, hỏi thăm trái bí trên giàn còn xanh .. Bí nằm bí ngủ đường xa, trên vai mẹ già bao nhiêu vốn liếng (Bà Mẹ Ô Lý - Trịnh Công Sơn)" không xẩy ra ở đây.

Tháng Mười, phố chật sẽ vắng dần những kẻ 'Trick or treat". Có lẽ vì đổi giờ để màn đêm về sớm hay vì những shopping mail tổ chức cho người ta đi 'Trick or treat". Vừa được an toàn vừa sẵn tay mua thêm vài món lặt vặt về bầy trước cho vui, sau cho chật nhà. Cho toàn vẹn an toàn, nhiều phụ huynh mua sẵn kẹo bánh bỏ vào túi giấu riêng. Sau khi con mình đi một vòng về thì hoán đổi bằng túi đó rồi cho túi kia vào thùng rác. Nghĩ đến những em nhỏ nơi quê xa thì hành động đó quá phung phí nhưng đây, ở đây là chuyện thường; quá thường. Ít kẻ quan tâm.

Tháng Mười, gạch nối cho chuỗi ngày sót lại của năm, cho những heo may chợt tìm, cho những con vịt từ Canada vội vã đến dừng chân một chút bên bờ hồ nơi có vài con vịt của năm cũ lười biếng chọn nơi này làm chỗ dừng chân vĩnh viễn. Cùng xứ sở nhưng hai nỗi niềm. Không biết vịt ở lại hay vịt theo đàn xuôi Nam, con nào chọn đúng. Nhưng lũ vịt bay đi, khoảng vài chục dặm nữa sẽ có đám người đi săn chờ sẵn. Họ dậy thật sớm, vùi mình xuống cỏ, chờ lũ vịt bay qua rồi xả súng bắn. Con nào không may trúng đạn cho cát bụi lại trở về cát bụi. Người ta đi săn không phải để kiếm miếng ăn. Người ta đi săn để coi ai bắn được nhiều vịt. Thế thôi.

Tháng Mười, mùa thu ngập ngừng trước cửa. Thi nhân giờ ngồi im trên hương gió bởi bóng giai nhân đã không còn, trăng đã úa bên nhánh sông đầy rêu rong. Cuộc đổi đời trôi nhanh quanh nhiều bàn tay níu lại. Những đứa bé sẽ lớn, những mái tóc sẽ phai, nhưng lòng người sẽ hội cho tháng mười đẹp lòng thi nhân bởi "chưa cười đã tối"

Friday, October 28, 2005

Labels: 0 comments

Hương Thu

tháng mười đến
điềm nhiên ngày trở lạnh
lòng chạnh lòng
lưu luyến bước hè xưa

cành gai nhỏ
buông tay lòng lá rũ
nắng cuối ngày
hoa bưởi ấm chợ quen

tháng mười đến
dế mèn xuôi cánh đợi
rộn lòng chờ
ngày gặp chú ve thân

hoa cúc nhớ
trải lòng theo hương gió
trao phố ngày
những chật vật của đêm

tháng mười đến
mình yêu nhau là đủ
hoàng hôn về
chờ đếm những vì sao

tháng mười đến
tôi và em hai lối
một nghĩ về
chật vật kiếp luân lưu

tháng mười đến
về thăm người dưới mộ
nén hương lòng
ngày trái rụng không xa

Song Vinh

Monday, October 10, 2005

  • Những ai ở vùng San Jose và vùng phụ cận nhớ đừng bỏ lỡ cơ hội quý báu này .. Hãy đến với "Đêm Ngọc Lan"
  • Trở lại với cái nhìn trẻ thơ:
o Dẫn con ra tiệm bán thực phẩm, qua chỗ bán đồ biển, thấy con cá bị chặt ra từng khúc để lên nước đá. Cậu bé 8++ tuổi thì thầm .. Dady .. dady .. this fish is broken!
o Vài người khách tới trước cửa, mẹ bảo con nhớ khoanh tay cúi đầu chào khách, cậu con nhanh nhẩu .. Con chào đứa nào trước hở mẹ?
o Bố sanh ở đâu? .. Bố sanh ở Bắc .. Mẹ sanh ở đâu? .. Mẹ sanh ở Huế .. Con sanh ở đâu? .. Con sanh ở SàiGòn .. Hay quá bố nhỉ .. 3 người ba miền mà sao chung một nhà vui quá bố nhỉ ..
  • Và, ở DC (thủ đô của Hoa Kỳ), vẫn có:
o Những người homeless, ban ngày không biết họ đi đâu, ban đêm họ xuất hiện và ra những chiếc ghế để ngủ qua đêm ..như lời nhạc của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn "Ghế đá công viên dời ra đường phố, người già co ro chiều thiu thiu ngủ, người già co ro nhìn qua phố chợ, .."
o Vẫn có nhưng người đem đồ ăn đến cho những người homeless đó, mùa đông thì họ đem thêm chăn.
o Tất cả đều xẩy ra trong đêm, khi những du khách và những người làm việc ở DC về nhà và không ai dám đi một mình trên vùng chỗ gọi là "The Mail"

Saturday, October 8, 2005

Labels: 0 comments

bão rớt

chiều thêm bão rớt về thăm phố
gió cuộn mưa nhòa dấu chân xưa
hàng cây vần vũ thương phận lá
đời dẫn đời qua những ngõ thừa

chiều thêm bão rớt về quanh quẩn
những giọt mưa rời rớt quanh đêm
ngoài kia phẫn nộ trời trêu đất
góc lẻ chạnh lòng ta vẫn ta

chiều thêm bão rớt về cho vẹn
nỗi mất trên còn bạn phương xa
người sư bỏ núi lòng bất định
phố rộng người quen lạc giữa ngày

chiều thêm bão rớt về lần nữa
giọt lệ tiễn hè chạm thu sang
năm nay nhiều lá về thơm đất
buộc trái tim sầu gởi tháng năm

chiều thêm bão rớt về cũng đủ
heo hút ấm tình nỗi tha hương
cuồng phong sóng cả ngày mai vẫn
chưa đủ nản lòng kẻ luân lưu

(chiều thêm bão rớt lòng mưa rũ
mục nát cõi lòng gã rong chơi
chào em điểm hẹn ngừng không kịp
tuổi chọn hoàng hôn lỡ một đời)

Song Vinh

Saturday, October 1, 2005

Trời North Carolina nóng, nóng như tạt vào mặt những giọt lửa. Mỗi lần vào xe là mỗi lần ướt sũng đệm. Ướt theo nghĩa khổ hạnh chứ không phải nghĩa đen như những ngày nóng đêm oi làm nói một đằng nghe một nẻo. Giữa hạnh phúc và chịu đựng, cả hai cách bởi lằn ranh mơ hồ lẫn lộn cho từng ngày lên rồi qua nhanh vẫn chưa tìm gặp. Đài TV người phụ trách vấn đề thời tiết bận rộn hơn bao giờ với những mầu đỏ lan rộng trên tấm bản đồ thu hẹp của giải đất thênh thang. Ngõ tin tức CNN thì đang trong vòng tuyển lưạ là người đẹp họ Việt tên Mỹ Betty Nguyễn, hy vọng cô ta sẽ thẳng đường đi lên và đi lên hoài. Xứ "mặt trời bên kia mùa hạ" đang trong mùa hè rực lửa. Nhưng có lẽ không đủ rừng để cháy như chốn "Xương rồng trên bước phong lưu" của nhà thơ bỏ thủ đô DC mà đi nhưng lúc nào cũng giành lấy mầu "Tím" làm mầu của riêng mình. Từng thành phố tôi đến lúc nào cũng đòi chất kỷ niệm thì thành phố tôi ngừng sao mà thiếu. Chất đến nỗi nhiều khi phải gạt qua để lúc quay về không gặp cho khỏi chạnh lòng. Phần đủ là đầy những đổi thay. Quanh hun hút của cõi nhị phân, có một WebLog down để thêm nhiều WebLog khác mọc. Đổi thay làm phố thân nhìn lạ, làm vui bên ngoài phải cuộn vào trong, làm ngôn ngữ trôi tự nhiên phải ngập ngừng dè dặt. Đường như chỉ duy nhất đổi thay là không bao giờ thay đổi.

Khô, khô 'như' "cành củi nỏ, cháy nhanh giờ điên mê", để "em nằm đếm lá trong cây, hôm nay ta mộng thấy ngày hôm qua, môi cười ở cuối sân ga, phố là cô quẫn xưa là tiễn nhau". Chuỗn ngày lê thê cắm đầu với công việc đã qua cho tháng ngày nhìn lên tự hỏi đã tìm cho mình gì chưa hay vẫn lười trốn né như thói quen loài sâu chơi trò cút bắt với lũ chim mỏ dài. Lần liên lạc sao vài tuần " ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại" mới biết người em cùng quê hương lỡ bước (không phải để sang ngang mà tránh con đò dọc) té gẫy chân phải vào emergency rồi kết quả là về nhà dưỡng thương thêm vài tháng. Vừa bệnh vừa phải lo làm việc sở, nghĩ là em cũng cực. Trong cái rủi đôi lúc thêm cái xui. Thôi thì ráng tịnh dưỡng nghen người em yêu dấu tuy xa mà gần. Get well soon cho kẻ ở xa thêm niềm vui để kẻ ở gần còn thêm sức chạy trốn lũ chim mỏ dài, sẵn đà chạy trốn thêm buổi chiều sắp đến. Phần người bạn "thần Điêu" ít nói càng nói ít hơn quanh từng dự án lo cho loài chim eagles với ngân quỹ theo năm cắt dần. Lại thêm cơn bệnh ngày càng trầm trọng làm "network" của anh thêm nhiều cô y tá với tr'ai tim bằng vàng, nhiều ông BS. Lại tránh không dám "seriuos" dặn gì tôi vì cứ sợ nghĩ là trối trăn. Từng dịp ra biển xe đi đường dài đọng toàn yên lặng. Nhạc Việt mở rồi tắt. Bản hay nghe nghẹn ngào, bản dở nghe xót thương phận notes. Im lặng vẫn là vàng, nói không còn là bạc .. nói mà mà như thẩy vào hư không. Người bạn "thần Điêu" của tôi vẫn nhìn đời qua nụ cười nửa miệng. Bao năm trôi; nóng lạnh hay mưa nắng vẫn thay lời nói bằng nụ cười, tuy nụ cười theo thời gian giờ kéo thêm lằn nhăn trên ánh mắt.

Nóng của phố chật vẫn còn dẫu che ngang bằng những cơn mưa đến rồi đi vội. Mùa hè đỏ lửa .. Không có hoa phượng để nhìn, không còn chia ly của hè để biên lưu bút, không có mây để tìm lũ mây xây thành, không còn ai gần mà níu áo. Mùa hè đùa dai cứ chơi cái trò đi trốn đi tìm bên giòng thời gian bơ phờ kéo tay lừng khừng qua chậm!

Thursday, September 29, 2005

Buổi chiều, cơn bão rớt tạt vào phố đem chút lạnh chút mưa chút gió trang điểm thêm cho vài ngày hè sót lại. Thu thấp thoáng trên vai, trên những bạn tôi vật vã quanh từng cơn bão đến rồi đi mà để lại biết bao mất mát. Còn đâu những năm dài gầy dựng, còn đâu những toan tính của tương lai khi hiện tại là những đổ nát. Vưòn cổ tích của riêng tôi và người giờ chỉ còn những hình ảnh lao xao nơi ký ức. Nơi chốn mà trò chơi cút bắt của tầm nhớ nhiều lần gắng tìm vẫn mịt mù. Mịt mù như từng bước kẻ lãng du đi hoài không điểm đến mà cũng không điểm về quanh nơi chốn nghỉ ngơi chỉ là bóng mát của một ngày tuổi thơ nào đó thấp thoáng giữa lưng chừng quá khứ. Tôi và người vẫn
"ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về (1)"

Buổi chiều cơn bão rớt tạt vào phố nhìn bóng mình trên những ngọn đèn quá sáng để nhớ từng leo lét ngọn đèn quê xưa. Giữa cái nhiều và ít, giữa cái này và nọ .. đã làm hiểu và buồn hơn khi biết từng lựa chọn của bạn tôi .. Xung quanh trái đất vẫn quay loài người vẫn sinh hoạt mà sao mình "quá lạc loài", lạc loài trong
"người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng
kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa
con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng
nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa (2)"

Vậy đó, cho dầu "mười năm đó anh quên mình sậy yếu, đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương, anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu, bản tình ca vô tận của Đông phương (3)" thì cũng là sẽ có một lần làm lại. Bão đến rồi bão đi, chúng ta vẫn còn đó .. Dẫu ít hay dẫu nhiều, dẫu tuổi đã không còn mầu trăng cũ, dẫu đèn hao hụt nhưng vẫn còn và vẫn thêm ngày sẽ đến. Buổi chiều cơn bão rớt về đây, ở lại một đêm, Rồi bão, như thường lệ, lại đi. Phố chật mênh mang ngày mai sẽ thêm heo may lòng lữ thứ.

(1)(2)(3) thơ Tuệ Sĩ

Friday, September 9, 2005

Labels: 0 comments

Gọi Tên Nỗi Nhớ

về,
quanh lòng phố thân thương
giòng đời:
xanh
đỏ
vàng
đường cô liêu
có em lòng ấm rất nhiều
yêu xa lộ chật buổi chiều
kẹt xe

về,
thêm tiếng gọi thiết tha
quê hương:
hai chữ; buồn,
da diết buồn
đêm đêm trăn trở :: cội nguồn
ngày treo mỏi mệt bên hồn tả tơi

về,
mơ còn được chốn ngồi
thân thương bụi phấn ngân lời thầy cô
biếng lười kẻ mắt người mơ
cùng phơi kỷ niệm bên bờ trán nhăn

về,
thêm một chốn:
để nằm
để đi,
để đến,
để thăm,
để chào
để quanh từng giấc chiêm bao
đời chan nắng ngọt tôi chào
mình tôi

Song Vinh

Monday, September 5, 2005

Tôi tránh đến chùa trong mùa Vu Lan có lẽ chẳng qua cũng tại hai mầu dị biệt. Không biết ai cắc cớ bầy ra hồng trắng hồng đỏ làm chi cho bận lòng tha nhân, trong đó có tôi. Không lẽ điểm môi nụ cười gượng là cũng không phải, mà đăm chiêu quá thì cũng không nên.

Người bạn sót lại của tôi chôn chân chốn này đã lâu, quên ngôn ngữ Việt, mất sự ngon khi ăn những món ăn Việt; vẫn mang nhãn Việt Kiều. Bạn tôi đi năm 75, là "Babylift" nên lạc người thân; nghe kể chuyện "hai mầu hoa" bâng khuâng hoài không biết chọn mầu hoa nào, không biết phải điểm khuôn mặt ra sao cho đúng. Cho nên, lũ tôi đành tránh rồi né nhưng cô gái xinh xắn với từng hộp hoa hồng trên đôi tay xinh mà vào chính điện xá vài xá cho đủ lễ, bỏ vào thùng món tiền nhỏ cho đủ lệ để chờ ăn bữa cơm chay; hy vọng sẽ bớt tội cho chậm ngày thành tinh.

Lễ xong lại chở nhau về trên chút nắng còn lại của buổi chiều cuối hạ cân cấn cơn lạnh đầu thu. Tùy năm, đứa này chở đứa kia thì đứa đó sẽ còn đoạn đường trước mặt để nghĩ về hai mầu đỏ trắng, để chọn lựa giữa nét đăm chiêu hay khẽ nụ cười cho chuỗi ngày còn lại.

Sunday, September 4, 2005

Với nụ hoa hồng không mầu, không đi chùa, không hỏi tại sao lại bầy hoa mầu này nọ làm phiền lòng tha nhân thì bão lại về .. Kỳ này bão không qua phố chật như lệ thường thì bão lại tàn phá mạnh ở LA, MS .. Những hình ảnh trên đài TV, những điện thoại đứt để không thể nào liên lạc được với bạn, bạn yêu quý của người phố chật .. cho dẫu đã nhiều ngày qua, tình hình càng lúc càng tệ hơn trên sự đứt đoạn của liên lạc ..

Ở đây, phố chật này, vẫn luôn có lời cầu nguyện bình an may mắn luôn ở bên bạn cùng gia đình và người thân, trong lúc này và trong những ngày sắp tới.

Thursday, August 25, 2005

Bạn là người may mắn nếu trên cứ thế mà cuộc sống trôi, chấp nhận nhìn cuộc đổi thay, thành công hay thất bại, buồn hay vui, bằng thử thách, coi đó lẽ thường tình. Đạt thì tốt, không được thì coi như xong, quay làm chuyện khác. Còn số còn lại, nhiều lần tư tưởng bất chợt dội về để phải gạt qua .. Cho nên, giữa cuộc sống và cái chết, người mang chút máu gừng sĩ chông chênh đi chính giữa .. Như kẻ đi trên sợi dây .. dẫu sợi dây nằm trên mặt đất hay chăng cao, vẫn một niềm riêng. Và, trên những giản dị là gởi gấm. Tôi vẫn "mê" nhạc Trịnh Công Sơn, cho dẫu nhiều người phàn nàn vấn đề chính trị. Cho dù chiếc mũ "thông dụng" đó chỉ là một cớ vì không thể nào nậy ra cớ nào khác. Tôi vẫn cho là TCS đã xứng đáng nghệ sĩ, đúng nghĩa của hai chữ "nghệ sĩ". "Anh nằm xuống, sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này, đã bay cao trong vòm trời đầy, rồi nằm xuống .." ..

"Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên, tiễn đưa nhau trong một ngày buồn, đất ôm anh đưa về cội nguồn, rồi từ đó, trong trời rộng đã vắng anh, như cánh chim bỏ rừng, như trái tim bỏ tình. Nơi đây một người nhìn anh đến, những xót xa đành nói cùng hư không ."

Đêm nay, nghe lại bài "Như một lời chia tay" để biết trong chúng ta, dẫu khác biệt, vẫn còn và vẫn có thêm mất mát. Sự mất mát thật lớn riêng mình, dẫu sâu , dẫu buốt rồi cũng sẽ theo dấu thời gian trở thành nỗi tạm cuộc sống cho một cuối cùng sẽ có. Như câu của phim Gladiator: "Until We Meet Again!" .

Thursday, August 18, 2005

Labels: 0 comments

hương mưa

vẫn mình anh treo nỗi nhớ vào thu
trên ngọn cây phong buổi chiều lộng gió
mưa tạt đời anh ước mềm giấc ngủ
tiếng chân xưa ngày yêu dấu bụi mờ

vẫn mình anh quanh những chiều mau tối
gọi tên em hương yêu của xum vầy
cơn gió lạnh thổi tung lời an ủi
anh chụp hoài lá vẫn chết trên tay

vẫn mình anh bước quanh lòng phố chật
theo trăng gầy tiễn bước thoáng nghỉ ngơi
hàng cây nhỏ trưởng thành quên nỗi mất
theo gió mùa gọi mãi tuổi rong chơi

vẫn mình anh ôm nỗi nhớ không may
làm khổ những thoáng vui thường ít tới
hiểu ý anh đừng bao giờ ngoảnh lại
vui hay buồn chỉ phí cuộc đời thôi

vẫn mình anh với tiếng người vụng dại
con tim đau đời đất trích về đâu
vai áo rách thẹn lòng trang giấy mới
gom góp hoài chỉ được một đôi câu

vẫn mình anh mang nỗi nhớ vào đêm
giơ tay đón tương lai qua định mệnh
chim biệt xứ bay hoài quên điểm hẹn
gọi tên em dịu ngọt hương lênh đênh

vẫn mình anh với tình yêu em chọn
cuộc tình đầu tình cuối khác gì nhau
trăng soi bóng sông thương đời trôi muộn
con thuyền về cũ bến mới mùa ngâu

Song Vinh

Tuesday, August 9, 2005

Labels: 0 comments

từ ngày chọn nghiệp

từ khi về ở phố này ngày như
chôn bóng đêm như chôn tình, từ khi
chọn phố nương thân em
như biển nhớ
chọn ngày tìm đi

từ khi về ở phố này buồn như
chiều tím ga quen
đoàn xe lửa chạy
có người ngồi mong
mong trên tuyệt vọng ngày lên
mong quanh mất mát buổi chiều đong đưa

từ khi về ở phố này chập chùng
xa lộ xe buồn xe theo
đi trao từng nỗi bơ phờ
về thương ánh điện ngập ngừng
bóng đeo

từ khi về ở chốn này bạn cho
báo cũ đọc lòng xôn xao
tin buồn quê cũ lao chao
thương thân trẻ nhỏ sớm đầy gian lao
trưa đi ăn ở tiệm gần
nhìn đồ ăn đổ nghẹn lòng đũa dao

từ khi về ở chốn này miệt mài
tu mãi thành tinh
không ngờ

Song Vinh

Wednesday, August 3, 2005

Đêm nghe nhạc tình của NT-TTT mới chợt nhận ra tình yêu, tuy dang dở nơi chuỗi ngày xưa vẫn mang hạnh phúc. Dang dở của TTKH, nỗi u uẩn của L khi cắt dây chuông, vv và vv .. vẫn còn như hạnh phúc vì có còn kỷ niệm, có còn khoảnh thời gian đẹp khi nghĩ về .. Tình ca đưa nhau đi nhẹ bằng .. "anh chỉ là người điên trong vườn hoa tình ái, anh chỉ là người say bên đường em nhìn thấy .. em đi đi, nguời điên không biết nhớ và người say không biết buồn .. ". Còn gì hạnh phúc hơn khi có người yêu đi, qua; nhìn mình trong khoảnh ngắn cuả "trên đỉnh mùa đông" lại còn diễm phúc của hờn giận mà đuổi nguời "ta" đi; đi. Cơn say thì tôi hiểu vì cũng lần say đến độ nhẩy xuống sông mà ôm nàng Nguyệt cũng vì "một hôm bỗng nghe ra, buồn vui kia là một".. Nhưng, lại nhưng, cơn điên chắc không ai hơn được tác giả của "Nụ Cười Tre Trúc". Hạnh ngộ thay sẽ có kẻ trèo cây toan tính một lần chín rụng.

Đời sống của hôm này không còn là những thiết tha của dĩ vãng nữa mà là thực tế của trước mặt. Đời sống vật chất đã làm mỗi ngưòi thành một "cõi riêng". Dù mình trách "ở đây chả có ai quen biết, mà đến tình người cũng vắng tanh" để mình lại cuộn vào vỏ ốc của riêng mình .. Introvert không lẽ lại là nỗi bình thường của cuộc đời hôm nay? Chợt bàng hoàng cho câu hỏi .. Tắt máy komputer, tạm rời cõi nhị phân, tắt đèn đi để "tôi nhìn tôi trên vách". Ngủ ngon hay không, rồi cũng qua một ngày, cho dẫu đã quá 12 giờ khuya!

Thursday, July 28, 2005

Hay lắm. Những học sinh. sinh viên gốc Việt nay không còn đi học để mong sau này ra làm giáo sư, ra làm bác sĩ nữa ..Họ đi học để mong sau này ra làm hiệu trưởng, làm thầy dạy cho những người muốn thành bác sĩ. Một trong những Peter's laws: "start at the top and work your way up" đang được từng người Việt trẻ ở đây áp dụng. Phố chật may mắn có tới 3 trường đại học: Duke, University of North Carolina, North Carolina State University. Những trường này chỉ dẫn từ kỹ thật cho đến khoa học cho đến luật học cho đến y khoa cho đến dentist; tha hồ mà chọn. Kỳ lễ ra trường đã có nhiều sinh viên (cũng như học sinh) đã cố gắng thêm để những năm sau này khi thành tài sẽ trở thành người lãnh đạo chứ không phải chỉ là một chuyên viên.
Congratulations!

Sunday, July 17, 2005

Táo 2006

Nhân vật:
- Táo Việt - mặc đồ Việt, nhân vật ốm
- Táo Mỹ - mặc đồ Mỹ, nhân vật mập (béo)
- TáoKhách - mặc đồ kiểu cách một chút
- Thượng Đế mặc đồ lộng lẫy, ngồi trên ngai
- và, một số Táo khác vây quanh Thượng Đế (cho màn 2)

Màn 1:

Nhân vật: Táo Việt, Táo Mỹ, TáoKhách
Cảnh: bên đường có tảng đá lớn và phẳng (hay một chỗ để nghỉ)

Táo Việt hấp tấp chạy .. chạy chút, ngừng chút, ngừng ngó quanh và than:
- Trời ơi là trời .. Táo tôi trễ quá rồi .. mệt quá trời ơi .. chu choa sao đường dài .. nắng quá .. chu choa .. trời ơi .. mệt quá .. thôi ngồi đây nghỉ chút rồi đi tiếp .. trời ơi .. mệt .. mệt .. trời ơi ..
Táo Việt ngồi rồi mệt quá ngã mình nằm xuống tảng đá ven đường.
Táo Mỹ hớt hải chạy vào, chậm lại vừa đi vừa ôm ngực vừa nói:
- Không biết làm sao đây, xe chả đón được cái nào, đường chưa đi đến đâu mà tim ình ình như trống làng .. chắc điệu này về phải lo tập thể dục thể thao kẻo không thì hai bà goá chồng sớm. Táo xưa mạnh sao giờ Táo yếu như sên.. Chắc tập thể dục buổi tối với hai bà nhiều quá nên mới ra nông nỗi .. Tới thiên đình trễ, kiểu này là không dược ..
Táo Việt nghe, vừa nằm vừa la:
- Mệt quá trời ơi .. trời ơi. Mạnh yếu gì thì mấy bả cũng sống hơn mình .. Có im cho người ta nhờ hay không đây ..
Táo Mỹ ngạc nhiên, đến tảng đá nhìn:
- Ủa anh Táo Mít đó hả .. Sao dạo này anh ốm quá vậy .. tui tưởng chỉ có tui trễ thôi ai mà dè .. Anh mà la trời hoài ổng kêu thiên lôi đi khện anh thì anh đừng có trách nghen!
Táo Việt ngồi dậy trả lời:
- Tui không mập nổi đâu anh. Cha .. Phải anh là Táo Mỹ hông vậy ?
Táo Mỹ nói:
- Tui đây anh! Không nhận ra sao ?
Táo Việt nói:
- Anh Táo Mỹ dạo này phát tướng ghê ta. Trông đồ sộ hẳn ra .. Tôi nhìn cứ ngờ ngợ .. Không dám nhận sợ lầm ..
Táo Mỹ bước vội:
- Thôi đi cha, trễ rồi, nói khéo nói mánh nói mé tôi chả lợi lộc gì đâu .. Có mau đi không lại trễ, thượng đế phạt là hết đường về. Hai bà Táo để ở một mình lâu coi chừng có chuyện ..

Táo Mỹ xăm xăm đi thẳng .. Táo Việt tụt khỏi tảng đá đuổi theo, vừa chạy theo vừa la:
- Chờ tôi, chờ tôi theo với. Hai bà Táo để một mình lâu coi chừng có chuyện .. là chuyện gì vậy ???

Táo Việt và Táo Mỹ vừa chạy khỏi sân khấu, TáoKhách chạy vào ngó quanh quẩn, ngừng lại nói:

- Mới nghe léo xéo đây mà sao tụi nó chấu nhanh quá .. hai thằng .. Đứa mập đứa mà chạy nhanh như nhau thì cũng là chuyện lạ .. Táo này mà đuổi kịp tụi bây thì tụi bây sẽ khốn khó

TáoKhách chạy đuổi theo, ra khỏi sân khấu

Hết màn 1


Màn 2
Nhân vật: tất cả
Cảnh: Thượng đế ngồi trên ngai vàng, vây quanh là các Táo

Các Táo cúi đầu chào ra. Sau khi các Táo chào ra hết thì Táo Việt chạy vào, theo sau là Táo Mỹ, và TáoKhách, cả ba Táo thở hổn hển đồng nói:
- Thánh hoàng muôn năm muôn năm, muôn muôn năm ..
Thượng đế bực dọc:
- Tại sao mà các người giờ này mới đến .. Ta nghe chuyện Táo mỏi cả tai, rung cả ngực. Ngồi muốn gẫy cả xương sống, cong cả xương sườn .. Tưởng xong để lui vào cung cùng cung mẫu .. ủa quên .. cùng cung nữ thì lũ bây lại vào .. mấy thằng giữ cổng này thật vô dụng .. Bảo tới giờ thì khóa .. Khoá cái khỉ gì mà không để cho tao yên ..
Táo Việt đành hanh:
- Dạ tụi con leo rào ..
Thượng đế chỉ tay vào Táo Việt:
- Cái thằng lanh chanh này .. mày là ai ..
Táo Việt khum xuống lạy:
- Đạ tâu ngọc hoàng con là Táo Việt
Ngọc hoàng quát:
- Táo Việt ? Táo Việt ?? sao lại tới trễ ????
Táo Việt run rẩy giọng :
- Thưa ngọc hoàng con là Táo Việt.. cả ngày hết nấu rồi nướng, hết ăn rồi uống, hết chụm rồi thổi .. Chả khi nào con được nghỉ ngơi. Nhất là Weekend .. nhà lúc nào cùng nấu, nấu rồi nướng, nướng rồi nấu ..chả đi ăn đâu ngoài .. Con mệt quá nên ốm như vầy .. Chưa kể là những ngày giỗ .. thượng đế ơi .. Gần tới ngày lên thượng đế mà vẫn còn nấu, vẫn còn nướng. Chả ai đưa, chả ai tiễn gì con .. Mãi phút cuối con đành dứt áo ra đi .. giờ cơm nguội bếp lạnh không biết gia chủ con làm sao ..
Thượng đế quắc mắt:
- Thì tụi nó thích ăn ở nhà thì để tụi nó ăn ở nhà .. Vài ngày bếp hư thì ăn tiệm .. Mày phận làm Táo thì lo làm Táo.. kêu ca nỗi gì ..
Táo Việt sợ run quỳ phục xuống run.
Thượng đế quay qua Táo Mỹ, quát:
-Còn mày là ai ?? sao lại tới trễ ??
Táo Mỹ khúm núm run cầm cập:
- Thưa ngọc hoàng con là Táo Mỹ .. Cả weekend gia chủ đi ăn tiệm, weekday thì TV dinner, tội cái thằng Táo Microway, nó chạy liên hồi, Tới ngày về trời vẫn chưa đi đưọc .. Còn con, con chả có được xài đến nên sức khoẻ "gởi gió cho mây ngàn bay". Ăn mà chẳng động đậy tay chân nên thành ù. Sợ không có gì trình cho Thượng đế nên con chần chờ, nán kiếm thêm tin, giờ chót sợ tội nên phải đi .. cái thân mập đường xa nên đến trễ. Thượng Đế thương mà tha cho cái tội không có gì để phúc trình..
Táo Mỹ run qùy cùng Táo Việt
Thượng đế chỉ vào Táo Việt và Táo Mỹ:
- Hai đứa bây ..
Táo Việt và Táo Mỹ ngửng lên, rụt rè, Thượng đế nói:
- Thôi hai đứa bay về đi. Ta tha cho đó. Về đi .. không có gì phải lo .. Gia chủ tụi bay luôn ăn ở nhà hay luôn ăn ở tiệm là tuỳ theo hoàn cảnh .. Mập ốm tùy gia, tốn hao tùy tục, lục đục tùy đôi, lôi thôi tùy lứa, chất chứa tùy người. Hiểu chưa ??
Táo Việt và Táo Mỹ quỳ lạy tạ ra về .. Bước ra khỏi lòi ra TáoKhách đứng xúm xín
Thượng đế gằn giọng:
- Tao tưởng xong rồi .. sao còn mày ở đây ?? mày là Táo gì ??
TáoKhách run run:
- Dạ .. con là Táo bón ... (ngừng lại một chút)
Thưọng đế đứng lên, giận giữ:
- Táo bón .. Táo bón .. có mắc mớ gì mà mày lên đây ??
TáoKhách:
- Dạ .. dạ xin thưọng đế đừng nổi trận lôi đình .. con đuổi theo 2 Táo kia, đuổi kỳ nào cũng vuột. kỳ này gần được thì chúng nó chạy tọt vào đây, con lỡ trớn mải đuổi chạy lộn vào.. xin thưọng đế niệm tình tha thứ cho con về dưới đó kẻo trễ công nãi việc, thêm vợ con nóng lòng mong.
Thượng đế nói lớn:
- Tao không muốn mày ở đây .. ai dám gần mày .. đồ Táo bón ...
TáoKhách: khum chào thượng đê:
- Đa tạ thưọng đế .. con xin phép đi đây
TáoKhách quay lưng đi, vừa đi run rẩy thì thượng đế gọi giật lại:
- Táo bón ...
TáoKhách quay lại, chắp tay cúi đầu sợ sệt:
- Dạ! Thượng đế gọi con..
Thượng đế:
- Tao nghĩ ra rồi .. Tao tha cho mày về nhưng với điều kiện thỉnh thoảng mày làm thằng Táo Việt bón vài ngày cho nó đình công, cho gia chủ nó ra ngoài ăn. Rồi thỉnh thoảng mày làm thằng Táo Microway bón vài ngày cho nó đình công, cho gia chủ nó xài thằng Táo Mỹ nấu vài món ăn Việt tại nhà ..Cái gì cũng phải thăng bằng mới tốt .. Nghe rõ chưa .. Nhớ ghé qua cho thiên lôi nó tăng công lực để chạy được mau. .. Bãi triều ..
TáoKhách chấp tay xá dài:
-Đa tạ thượng đế .. ngày quả chí tôn .. tưởng Táo bón này vô dụng ai mà dè đem lại thăng bằng cho bếp núc .. Đa tạ thượng đế .. con đi đây .

hạ màn (hết)
(Bản quyền của Sinh Vong, aka: songvinh)

Tuesday, July 12, 2005

Biệt ly lúc nào cũng là thời điểm của nỗi buồn. Đã đành trong đời sống thể nào ít nhất cùng một lần biệt ly mang điểm hồng khi thay vì "người đi một nửa hồn tôi chết, một nửa hồn kia bỗng dại khờ" thì được nhắc khẽ bằng "người đi một nửa hồn tôi khỏe, một nửa hồn kia bỗng nhẹ nhàng".
Biệt ly ngoài ngoại lệ đó là khoảnh trống xung quanh, vì người đi đã mang hết theo; hoặc kỷ niệm còn đây, cho người ở lại. Từ lâu tôi vẫn tự hỏi "người đi buồn hay người ở lại buồn" vì niềm vui mình có thể chia chứ nỗi buồn thì không xẻ, tương phản với "chung vui, chia buồn" của sinh hoạt thường nhật.

Sau đoạn đường quá dài lê thê câu hỏi "người đi buồn hay người ở lại buồn" (aka: ai buồn hơi ai) một hôm thay vì "thấy được đời tôi" tôi hiểu ra người ở lại chưa chắc là họ đã buồn nhưng chắc chắn là họ sẽ không bao giờ vui. Và người đi, chưa chắc là họ đã vui nhưng chắc chắn là họ sẽ không bao giờ buồn. Nghĩa là cả đôi bên đều tê cóng đi, chết lặng đi, vụng về đi, lóng ngóng đi, tê liệt đi. Tiếng Việt thì dài chữ nhưng tiếng anh chỉ giản dị là: "numb".
Có một số người may mắn vượt qua "numb". Lúc đó, họ sẽ đến trạng thái khi vui sẽ thấy nỗi buồn, khi buồn sẽ thấy niềm vui. tất cả chỉ vì hai chữ "'biệt ly". Chính vậy, trong ngôn ngữ riêng tôi, không bao giờ tôi dùng chữ "bye" hay "good bye" mà chỉ dùng "see you later".

Thursday, June 30, 2005

The year 2029:

  • Ozone created by electric cars now killing millions in the seventh largest country in the world, Mexifornia formally known as California.
  • Spotted Owl plague threatens northwestern United States crops and livestock.
  • Baby conceived naturally ...scientists stumped.
  • Couple petitions court to reinstate heterosexual marriage
  • Last remaining Fundamentalist Muslim dies in the American Territory of the Middle East (formerly known as Iran, Afghanistan, Syria and Lebanon).
  • Iran still closed off; physicists estimate it will take at least 10 more years before radioactivity decreases to safe levels.
  • Castro finally dies at age 112; Cuban cigars can now be imported legally, but President Chelsea Clinton has banned all smoking.
  • George Z. Bush says he will run for President in 2036.
  • Postal Service raises price of first class stamp to $17.89 and reduces mail delivery to Wednesdays only.
  • 85-year, $75.8 billion study: Diet and Exercise are the keys to weight loss.
  • Average weight of Americans drops to 250 lbs.
  • Massachusetts executes last remaining conservative.
  • Supreme Court rules punishment of criminals violates their civil rights.
  • Average height of NBA players now nine feet, seven inches.
  • New federal law requires that all nail clippers, screwdrivers, fly swatters and rolled-up newspapers must be registered by January 2036.
  • Congress authorizes direct deposit of formerly illegal political contributions to campaign accounts.
  • IRS sets lowest tax rate at 75 percent.
  • And last but certainly not the least: Florida voters still don't know how to use a voting machine

Wednesday, June 29, 2005

Labels: 0 comments

Freeport, 2005; Maine, tôi

giọt sương ướp nẻo lạ nhà
hồng thơm biển lạnh tiếng phà gọi nhau
bóng chim lẻ bạn chân cầu
cội nguồn vỗ sóng đá sầu rong rêu
phà đi đời gởi quá nhiều
vòng tay tiễn biệt buổi chiều tóc phai

(người đi bước dỗi bước dài
bước tìm bước trốn bên ngày lẹ trôi)

về thêm kỷ niệm chốn ngồi
chốn em để lại chốn này nhớ nhau
chốn tôi bốn phía dãi dầu:
xuân, đau; hạ, nhức; thu, sầu; đông, ho

Song Vinh

Thursday, June 16, 2005

Labels: 0 comments

một trăm hăm bẩy chấm mười ba chấm bẩy chấm năm mươi (127.13.7.50)

Em mang lòng điện toán
Anh xấp ngửa nhị phân

Những dấu chấm bây giờ
(trong thời đại này, trong thế kỷ này, trong thời điểm này)
không còn là kết thúc
mà là tiếp từ không gian này dẫn qua không gian khác
làm anh bơ phờ
chạy mệt nhoài trên màng lưới em giăng

Em mang lòng điện toán
Anh kẹt nỗi vô vàn

Từ trên xuống dưới từ dưới lên trên
đường dài vạn dặm tắt mở cuộc vui
quanh quỹ đạo tình lờ
(khi server anh đã lỡ
virus nở giữa kernel)

Em mang lòng điện toán
Anh mầm độc chờ ngày

một trăm hăm bẩy
chấm
mười ba
chấm
bẩy
chấm
năm mươi

anh vẫn nghĩ một ngày
em sẽ cho anh reboot
không phải để làm lại từ đầu
mà để thử xem có còn được như xưa

Song Vinh

Labels: 0 comments

một trăm hăm bẩy
chấm mười ba
chấm bẩy
chấm năm mươi
(127.13.7.50)

Em mang lòng điện toán
Anh xấp ngửa nhị phân

Những dấu chấm bây giờ
(trong thời đại này, trong thế kỷ này, trong thời điểm này)
không còn là kết thúc
mà là tiếp từ không gian này dẫn qua không gian khác
làm anh bơ phờ
chạy mệt nhoài trên màng lưới em giăng

Em mang lòng điện toán
Anh kẹt nỗi vô vàn

Từ trên xuống dưới từ dưới lên trên
đường dài vạn dặm tắt mở cuộc vui
quanh quỹ đạo tình lờ
(khi server anh đã lỡ
virus nở giữa kernel)

Em mang lòng điện toán
Anh mầm độc chờ ngày

một trăm hăm bẩy
chấm
mười ba
chấm
bẩy
chấm
năm mươi

anh vẫn nghĩ một ngày
em sẽ cho anh reboot
không phải để làm lại từ đầu
mà để thử xem có còn được như xưa

Song Vinh

Monday, June 6, 2005

Nếu không có sự ân cần nhắc nhớ nơi người em tuy không cùng cha nhưng khác mẹ phương xa, nơi tôi gọi là xứ "mặt trời bên kia mùa Hạ", thì tôi đã chẳng sẽ thể nào biết được ngày Phật Đản năm nay rơi vào chỗ nào trong quyển lịch tây phương. Tôi biết Phật Đản là ngày lễ trọng của Phật tử. Nhưng ở đây; ở thành phố chật, chội tình cảm với ngôi chùa khiêm tốn mà lại thêm ít khách thập phương thì Phật Đản kém đi rộn ràng dẫu vẫn luôn trang nghiêm. Cho dẫu tôi mù mờ về chính xác ngày của lễ này nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến Phật Đản nơi quê nhà khi có cơ hội đi lễ chùa. Phật Đản nơi quê nhà đông, vui. Phật Đản nơi quê nhà rộn rã với những hội với những xe hoa. Dẫu có những năm bị lèn ép, Phật Đản nơi quê nhà vẫn là Phật Đản.

Tôi không bao giờ dám nhận mình là Phật Tử. Lý do giản dị là khi đến chùa hay ăn chay, là tùy hứng riêng tôi. Thêm nữa, Phật tử là phải có pháp danh cho dẫu qua đây nhiều pháp danh đã chuyển thành mỹ danh. Phật tử là phải đi chùa đều đặn, phải ăn chay, phải không được sát sinh, phải diệt hết thất tình, phải thế này, phải thế nọ, phải từ tâm, phải bao dung, phải đừng thấy đồ free mà gom hết về nhà, hãy nghĩ đến mà để lại cho kẻ khác, đừng tham, đừng lam, đừng sân, đừng si, đừng nghĩ là đi tu để được cái này, cái nọ về sau, vân vân và vân vân.. Những cái phải đó tôi không có mặc dù tôi không bao giờ sát sinh và thất tình thì lúc nào tôi cũng dồi dào cho dẫu lòng luôn muốn tránh. Nếu bắt tôi chọn đường tu, tu mãi tôi sẽ thành tinh. Hoặc như kiểu cá chép vượt ngũ môn hoá rồng, tôi vượt qua sẽ hoá rắn.

Trở lại vấn đề, mà vấn đề là vấn đề gì đây? Đã nói là "để gió cuốn đi" mà. Cứ theo hứng mà biên, "kỹ thuật" văn phạm dẹp một bên .. Lo gì! Dù rằng đạo công giáo quyến rũ tôi hơn với những bài Thánh ca, với những vần thơ, với những giáo đường khi còn ở Việt nam. Để như vận mệnh khi vượt biên sống tị nạn tôi đã gắn sâu, thật sâu, vào đạo công giáo. Nhưng soi thâm tâm, có lẽ không phải là đạo 'gốc' cho nên tuy gắn sâu trong tôi đi xa vẫn là về gần. Về với từng ngôi chùa đơn sơ nhưng chất chứa quá đầy kỷ niệm. Về với thiết tha của chuỗi ngày mới lớn theo chân anh tôi đến gắn điện cho từng ngôi chùa ngoại ô hẻo lánh.

Thuở đó, vì may mắn nên tôi được đến trường và đoạn đường học vấn của tôi trôi rất an lành. Tôi lớn lên vây quanh là những giản dị, hồn nhiên. Tuổi trẻ của tôi nói chung là chỉ biết học và lớn thêm là tập tành biết "yêu". Chữ yêu trong ngoặc kép của mối tình thuần túy Việt-Nam của Thời-Trung-Học chứ không phải chữ yêu buông theo thả lỏng của tuổi trẻ bên xứ tân tiến này. Xin đừng cho tôi bảo hủ (hay bảo vại); tôi vẫn trang trọng những người với những cuộc tình "hôm nay trời nhẹ lên cao, tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn".

Ba tôi mất sớm nên mẹ tôi thêm vất vả lo cho đàn con. Cho dẫu những đứa con đều ngoan, đều tìm cách đỡ cho mẹ. Nhưng đời sống của người không cơ nghiệp và những kẻ mới tạo cơ nghiệp cũng mệt mỏi nhiều trong mảnh đất mà cơ hội là những gì quá hiếm, hiếm như tìm trầm trên mảnh rừng bị thuốc khai quang. Vì con út nên tôi cũng tạm được tha cho phần lo để tuổi thơ của tôi lúc nào cũng đầy những trò chơi, đầy tình yêu của mẹ quanh những anh chị hiền hoà nuôi tôi. Tôi lớn dần trong chiến tranh của hai miền đang tới kỳ căng thẳng.

Chúng tôi đùm bọc nhau trong niềm đạm bạc của "con mất cha như nhà mất nóc". Cho dẫu ba tôi đã ra đi nhưng những lời răn dạy, dặn dò vẫn còn đó, vẫn được chúng tôi thi hành triệt để. Từ lối đi đứng, lúc ngồi ăn, lúc thưa chuyện khi sanh tiền ba tôi rất khe khắc. Có lẽ nhờ vậy mà sau này tôi, coi như, thành công trên nẻo đời nhờ những răn dậy quý báu đó. Trong đùm bọc của mái ấm nhỏ nhoi, mẹ tôi lúc nào cũng gượng vui trong nỗi mất.

Ở Việt Nam dạo trước 75, khi học xong lớp đệ nhị thì phải thi Tú Tài phần I. Đậu thì lên học lớp đệ nhất để thi Tú tài phần II. Xong thì sẽ lên đại học. Tôi không dám tự hào nhưng may mắn đỗ được tú tài hạng Ưu dẫu lúc nào cũng "chậm hiểu mà mau quên". Thế là tôi hiên ngang vào học đệ nhất. Trông rõ là người lớn. Nhưng những bạn bè tôi có những kẻ không may nằm xuống, những cuộc biểu tình, những chán nản của tuổi trẻ trước một tương lai làm tôi bắt đầu bê tha từ đó. Chưa kể hút thuốc, rượu, đánh nhau, lê la vào những quán cà phê, đi nghêu đi ngao và, bỏ học.

******

Một trong những cái làm mẹ tôi phải lòng bố tôi là tính tự lập. Cái tính đó ở mức số mười nơi bố tôi để đọng lại thành hai mươi nơi mẹ tôi rồi truyền qua lũ tôi là thành chẵn ba chục. Phải cần lắm mẹ tôi mới khẽ gợi vài câu. Những khi muốn đi chùa, những khi cần đi thăm họ hàng, hay tảo mộ đều là những 'vấn đề' với mẹ, không dễ dàng như nhưng người khác. Giữa lớp đệ nhất, mẹ tôi lên chùa thỉnh về một ông Phật. Ông anh tôi chọn cái tủ cao nhất. Dọn cái tủ rồi sửa lại phần trên làm bàn thờ Phật cho mẹ tôi. "Trông cũng tươm tất lắm" anh tôi tự hào. "Vậy là mẹ khỏi cần phải đi chùa, ở nhà đã đủ .. Tu đâu cho bằng tu nhà" anh tiếp lời. Tôi đứng bên cạnh im lặng. Ông Phật cuả mẹ tôi trông hơi nhỏ. Ông Phật của người ta có nạm vàng ở cái đế ngồi, ông Phật của mẹ tôi thì không. Một thoáng nhìn anh đã thấu những giòng tư tưởng chạy quanh đầu óc chậm khôn của tôi. "Thôi tụi con đi làm, mày xong chưa? tối nay tụi con về" anh tôi nói vội rồi kéo tôi theo.

Kết quả của những ngày bê tha làm tôi thi hỏng Tú Tài đôi đợt nhất. Cả nhà tôi ai cũng buồn. Đỗ lỗi học tài thi phận. Mẹ tôi dấu nhưng vẫn để lộ nhiều nét lo âu. Tôi hiểu câu "Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu, thi hỏng mất rồi, ta đợi ngày đi,..". Ngẫm đi, tôi chán cuộc đời, ngẫm về tôi còn cơ hội cuối cùng là kỳ thi tú tài đôi đợt nhì và còn người mẹ, tôi chưa muốn đi xa. Thế là tôi quyết tâm đóng cửa luyện công. Đóng cửa phòng, tôi biết tôi còn 3 tháng để học và thử thời vận thêm lần nữa. Nói là phòng cho sang chứ trong nhà tôi, phòng được dựng lên bằng tấm vách mỏng cao quá đầu người, phía dưới hở khoảnh vài tấc, thêm cửa ra vào. Không như bên này, phòng là chỗ kín.

Từ khi thỉnh Phật về, mẹ tôi đều đặn đến tối là quấn lại tóc, trang trọng mặc vào người chiếc áo nâu, rồi ngồi tụng kinh. Lúc đầu mẹ tôi tụng chậm, nhiều tiếng ề à vì bà chưa quen mặt chữ. Sau mẹ tôi tụng nhanh hơn. Tiếng kinh hoà theo khói nhang làm tôi xao động. Cho dẫu qua một ngày miệt mài quật lộn với sách vở, tôi vẫn cảm thấy yên lành mỗi khi mẹ tôi tụng kinh. Cho dẫu, những lời kinh như những câu thần chú, tôi nghe để mà nghe thôi chứ hiểu thì tôi vẫn biết tôi chưa đủ sức.

Một hôm, tôi phá lệ bỏ ra Sàigòn đi chơi một buổi. Nhìn người qua lại trên phố, nhìn những cặp tình nhân, những nhóm người tôi mới thấm hiểu thế nào là cô đơn khi tự chính mình quyết tâm rời bỏ bạn bè, tạ từ người yêu mà không lời cắt nghĩa. Thôi thì khi mình làm, mình chịu, cũng chỉ vì trót nhiễm cái phần tự lập cỡ 30. Tôi lang thang vào khu chợ lớn rồi vòng lại Sài gòn xem xi nê. Trước khi về tôi ghé vào tiệm cắt kiến đặt cắt một khung kính vừa tầm che cho ông Phật của Mẹ tôi. Gần tối, tôi về trèo lên đầu tủ bỏ khung kính vào ông Phật. Bảo với mẹ cho đỡ bị bụi. Mẹ tôi thoảng vui. Với tôi, bụi vào ông Phật điều phụ, sợ mẹ thấy tượng bị dơ mà trèo lên lau bụi rồi có chuyện gì, là điều chính.

Anh tôi về vừa thấy khung kính là nửa đùa nửa thật với tôi "thôi từ này ông Phật của mẹ lâm cảnh cá chậu chim lồng rồi.." .. " sao mày nỡ nhẫn tâm nhốt ông Phật của mẹ" .. "mày bao ổng kỹ như vậy thì làm sao ông ấy nghe được kinh của mẹ? ". Dẫu anh em tôi đùa nhỏ, riêng với nhau, đêm đó mẹ tôi tụng kinh, giọng lớn hơn mọi bữa. Tôi không cần phải lắng nghe nữa khi lời kinh rót thẳng vào tai. Trên trần nhà, những con thằn lằn bò ra nghe. Chúng nằm bất động. Anh tôi bảo chúng say nhang. Tôi không nghĩ nghư vậy. Tôi nói đó là những con thằn lằn chọn nghiệp. Bàn thờ Phật thì lúc nào cũng thắp nhang, chỉ những khi mẹ tôi tụng khinh thì chúng mới bò ra, nằm yên như thể nghe. Khi mẹ tôi tụng kinh xong, dẫu vẫn còn nhang, lũ thằng lằn cũng biến mất. Tôi lại khác lũ thằn lằn, kể từ ngày đó đã dậy sớm hơn để học bài và chập chờn khi mẹ bắt đầu tụng kinh rồi ngủ dần theo mùi nhang. Ngày tháng trôi và ngày thi kỳ Tú tài đôi đợt nhì của tôi về dần. Mẹ tôi càng ngày cằng tụng lớn hơn và khuya hơn trong khi tôi càng ngày càng ngủ nhiều thêm.

Có lẽ trục trặc trong vấn đề tình cảm nên anh tôi buồn, ít nói hơn mọi khi. Một chiều anh tôi về lần đầu tiên nhuốm hơi rượu và lần đầu tiên, tôi thấy anh tôi hơi xẳng cùng mẹ .. "Mẹ tụng kinh lớn quá làm sao thằng con út của mẹ nó học được? Thi hỏng là mẹ phải lo thăm nuôi nó đó". Tôi cảm thấy buồn vô cùng. Nhưng anh tôi, tôi biết đã buồn hơn, hối hận hơn. Rồi vì đã nhiễm cái phần tự lập cỡ 30 anh tôi chỉ lèn chặt trong lòng. Mẹ tôi thì bắt đầu tụng nhỏ lại, nhưng lại tụng lâu hơn. Có đêm, ngủ rồi thức, thức rồi ngủ; tôi vẫn nghe lời kinh của mẹ. Nhìn lên trần, dưới ánh nến mù mờ là những con thằn lằn nối đuôi nhau nằm im lắng. Cứ thế, lời kinh của mẹ chen theo bài vở dẫn tôi đi bước thấp bước cao, bước dài bước ngắn, bước chậm bước mau của 3 tháng miệt mài học thi.

******

Đúng như lời ba tôi thường nói lúc sinh tiền: "Hễ không làm thì thôi, đã làm thì phải bỏ hết công sức ra làm, rồi may mắn sẽ có". Sau chuỗi ngày đánh vật cùng bài vở tôi đã, may mắn, thi đậu bằng tú tài đôi kỳ hai. Dẫu đến muộn, dẫu những kỳ thi tuyển vào một số lớn các trường đại học khác đã quá hạn tôi vẫn vui trên niềm vui không nhỏ riêng tôi. Nhưng không bì được với anh tôi. Sau thời gian dài trầm lắng anh đã hết buồn. Bây giờ với anh là thêm nhiều, thật nhiều cô bạn gái xinh xinh đến thăm (đôi khi ở lại .. cả ngày, để phụ chị tôi). Chủ trương mới của người anh, đẹp trai trên trung bình, là đừng nên bắt cá hai tay mà phải lấy rổ mà xúc, đôi khi lấy lưới mà chài. Nhờ chủ trương đó anh tôi trở nên phong lưu, cảnh "gươm lạc giữa rừng hoa" là cảnh thường. Những anh chị khác của tôi cũng yên ấm với đám con khoẻ mạnh. Đời sống chúng tôi vui hơn, khấm khá hơn. Nhưng mẹ tôi vẫn vậy, vẫn chắt chiu, vẫn lo cho đàn con và vẫn xập tối thì trang trọng quấn lại tóc, mặc chiếc áo nâu rồi thắp nhang tụng kinh. Niền vui mới của bà là khi có tiền thì đóng vào thêm cho miếng đất mua trả góp nằm cạnh ba.

Ngày 30 tháng Tư 1975 là ngày làm gia đình tôi rã, tan thành từng mảnh. Phần tôi, tôi lên đường tị nạn chộn rộn tấc lòng cam chịu làm kẻ tha hương. Cuộc đời tôi coi là chính thức tự lập từ đó. Những tháng năm đầu cuộc sống hải ngoại là những tháng những năm mà tôi không biết tôi đào đâu ra cho đủ từng can đảm để vượt sống. Sau nhiều năm đi làm tôi trôi dạt về một ngôi trường nhỏ ở ngoại ô tiểu bang nằm chính giữa nước Mỹ. Trường tuy nhỏ nhưng cũng đủ những người Việt từ các tiểu bang xa tụ về, sống đạm bạc nuôi hy vọng sẽ một ngày tương lai khá hơn. Mỗi người trong lũ tôi là thế giới riêng, ràng lại với nhau chỉ vì cùng mầu da, phong tục, cùng tiếng mẹ đẻ mang theo qua xứ này. Đôi lần phong tục cùng tiếng Mẹ đáng yêu đó được nhiều kẻ vùi quên cho dễ dàng sang đời sống mới. Mùa đông ở đây dài và lạnh, nỗi lòng người viễn xứ hiu hắt theo năm đi. Mỗi lúc Tết về là những lần vui mượn. Thêm trong tôi tiếng kinh tụng hằng đêm đã không còn được nghe nữa. Tôi lẫn lộn giữa cái này, giiữa cái nọ và cứ thế; cứ vừa lẫn vừa lộn vừa đi. Đi dần theo thời gian để trưởng thành theo cuộc sống để mang biệt danh ngoại kiều. Để những lúc vọng về quê hương dấu yêu mà ai đó an ủi bằng bốn chữ "quê hương mang theo". Từng thành phố tôi ở rồi chìm dần trong dĩ vãng sau vài tháng khi yên ổn nơi thành phố đến. Như lời nguyền của kẻ bị xử oan, thời gian bên này trôi nhanh, nhanh hơn chớp mắt để quanh đi quẩn lại đã hơn đôi chục năm. Câu; "năm năm rồi đi biệt" vẫn là khoảnh thời gian ngắn mỗi khi được nhắc đến.

Thời gian trôi, trôi mãi. Kỷ niệm của tháng ngày thơ ấu phai, nhạt dần bên vùng đất đầy người xa, lạ để không còn gì, có gì thay; thế vào. Những giọt kinh năm xưa hụt hẫng trong tôi, trong tâm tư kẻ miệt mài đi tìm quên. Những giọt kinh khác còn sót lại mất dần theo mỗi thu dọn hành trang khi giã biệt thành phố buồn này đi qua thành phố buồn khác. Chất chồng mãi trong tôi là những mất thêm người thân, bạn bè. Đời sống mặt phải là vậy. Mặt trái thì tình cảm tuổi thanh xuân đầy đủ những vội nở rồi tắt. Như màn đêm xoay vòng niềm sống đong chia ly. Đôi khi tiễn đưa được kéo dài ra bởi những lần mong thư, nhũng cú điện thoại viễn liên rồi theo khoảng cách, theo thời gian thưa dần, chìm khuất như bóng chim tăm cá. Tôi vẫn có những người yêu cạnh những người yêu tôi, vẫn có cuộc tình theo vết chân nhau. vết chân không là của lần tan trường mà là thăng trầm nơi công việc. Cứ vậy thời gian theo thời gian trôi nhanh. Những người tôi yêu theo hướng những người yêu tôi làm tôi miệt mài chạy đuổi để tìm gần mà lại xa thêm. Trong bơ phờ của tất cả, tôi thèm lắm một câu trách, một lời dạy của mẹ tôi. Thèm lắm một ngày về thăm, thèm lắm một vệt vôi trên trán khi nghĩ về của những tháng trời trở heo may. Nhiều đêm ngủ rồi tỉnh tôi nghe vọng thoảng lại lời kinh để chợt bừng tỉnh bàng hoàng trong quạnh vắng. Rồi, như cơn ác mộng không biết trúng giờ trùng đã thành sự thật, đã chạy vào thực tại để cuộc sống tôi từ đó mang nỗi buồn miên viễn, mang thêm phần thưởng của đóa hoa hồng mầu trắng. Chạy trốn lễ Vu Lan là chuyện tôi vẫn làm và Mother's day là ngày mà tôi nghe lòng trĩu nặng

******

Ngôi chùa nhỏ nơi thành phố lớn nhất cuả tiểu bang bên bờ Đại Tây Đương này không những ngày càng vắng mà còn thêm nhiều lời ra tiếng vào. Riêng tôi, khi buộc phải đến chùa, tôi chỉ lang thang nhìn hoa nhìn lá ngoài chùa, nhìn đã rồi mới vào chánh điện, xá vài xá gọi cho đủ lệ rồi kiếm cớ đi ngắm cảnh tiếp. Thông thường, lễ xong sẽ có thụ chay. Tôi tránh vào lễ nhưng hễ thụ chay là có mặt vì lúc nào tôi cũng thích ăn đồ chay, thích ngắm từng kỹ thuật trình bày của món ăn chay. Nhiều miếng đậu hũ làm khéo đến độ trông cứ ngờ như miếng thịt. Phải ăn mới biết không phải.

Qua từng năm kinh tế sụt thấp, chùa không những vắng đã đìu hiu hơn. Năm sau, chùa mang thêm cái tang của một Thượng Toạ đã vì đạo pháp, vì dân tộc, vì đất nước; mà tự thiêu. Theo chỗ tôi biết thì đó là Thượng Toạ thứ nhì, cũng là người Việt đầu tiên tiên trên đất Mỹ; tự thiêu. Rồi chu kỳ đời sống, tôi lại dọn qua thành phố khác. Bỏ lại căn nhà tôi dầy công trồng nhiều loại cây tôi thích cạnh nhiều loại hoa tôi yêu. Bỏ lại căn nhà có vườn sau trồng không thiếu loại rau nào với nhiều kỷ niệm, bỏ lại nơi tôi ở lâu nhất kể từ khi rời quê nhà.

Qua thành phố mới sau khi ổn định, tôi bắt đầu trồng lại những cây tôi thích, những hoa tôi yêu cùng vun xới lại vườn sau. Tôi hiểu câu "kính cung chi điểu" lắm nhưng tôi hiểu thêm nếu mình phải dọn đi thêm lần nữa, kẻ mua nhà của tôi sẽ đỡ công làm, chỉ vậy mà hưởng nếu không muốn làm thêm. Cứ vậy thời gian trôi. Đời sống mới của tôi tạm an bình nhưng hễ mỗi lần hình bóng ngôi chùa nơi thành phố mà tôi để lại đến trong tầm thức, tôi lại hình dung dáng gầy nhân từ cuả một thiền sư mà tôi đã, nhiều hơn đôi lần, may mắn gặp và cúi mình chào. Khoảng cách cùng lòng thiết tha chưa tha thiết làm những dịp đến ngôi chùa xưa, dẫu đến để ngắm cảnh và thụ chay chứ không bao giờ vào lễ; của tôi, đã trở nên hiếm hơn.

Như con thằn lằn chọn nghiệp, một ngày Phật Đản may mắn rớt vào cuối tuần đưa bước lãng du của tôi trở lại chùa. Sau khi lòng vòng ngắm ngoại cảnh xem có gì thay đổi tôi lân la vào chánh điện xá cho đủ lệ rồi lỉnh ra ngoài ngắm tiếp. Cảnh ngoài chùa lúc nào cũng giúp tôi tìm bình yên. Từ cụm hoa thơm cho tới cành trúc dẫn qua hồ sen đều được tôi quan sát kỹ lưỡng. Chốn nào cũng đầy dấu tay chăm sóc dưỡng nuôi của kẻ yêu thiên nhiên. Tôi nhớ người tụ trì trước, sắp giờ lễ là sai người ra mời khách thập phương vào chánh điện. Chính sách này áp dụng vào tôi cùng một số thập phương khác không hiệu quả lắm. Vì với tôi, sau lời mời, cũng đi về chánh điện nhưng khi đến gần chánh điện là có những ngoại cảnh khác lôi tôi đi ngắm tiếp cảnh chùa.

Năm nay, người sư tụ trì với chiếc lưng khòm cong nhưng vẫn còn tráng kiện nhìn gương người đi trước đổi chiến thuât, ông sai người ra mời khách sau khi mời xong sẽ "hộ tống" khách vào chánh điện. Vì lẽ đó, tôi không giở trò "quẹo" được như thói quen khi có một người xinh như hoa đi kèm sau lưng. Vào chánh điện tôi lúng túng tựa quỷ có ba đầu sáu tay mười hai con mắt đành len lén chọn góc đứng đằng sau. Ai đó dúi tay tôi quyển kinh. Cầm lấy, tôi mân mê mở ra xem che nỗi lúng túng. Khách vào đông, đông dần, chỗ đằng sau của tôi từ từ di chuyển lên chỗ chính giữa. Lễ cầu kinh bắt đầu. Hương nhang, tiếng mõ tiếng chuông lôi tôi trở về những ngày, những tháng của chuỗi thời gian học thi Tú Tài đôi. Tiếng kinh nghe quen quá. Tôi lẩm bẩm đọc theo, ngượng ngập, ...Rồi bất ngờ như nưóc phá bờ, lời kinh rời rạc những phút đầu trở thành trơn tru chạy thẳng ra cửa miệng qua kinh ngạc của tôi. Tôi thuộc, đã thuộc nằm lòng lời kinh lúc nào mà tôi không hay. Quyển kinh mở trên tay, tôi đọc theo. Quyển kinh gấp lại tên tay, tôi đọc theo. Lòng nhàn nhã trôi theo tiếng kinh. "Nam Mô Đức Bổn Sư Phật thích ca mâu Ni" tôi lập theo và lập theo bên thời gian ngừng lắng. Nỗi bất ngờ khi nhận mình thuộc nằm lòng những câu kinh sớm qua để tôi tan theo tiếng kinh tập thể. Tôi nghĩ đến những con thằn lằn năm xưa. Khi mẹ tôi gióng lên tiếng chuông đầu đều có mặt chúng. Rồi chúng ngoan lành uống lời kinh. Tôi bây giờ cũng ao ước được như thằn lằn xưa. Tan lễ, thụ chay xong mọi người đổ ra về. Tôi cũng lái xe theo giòng xe. Kẹt xe nhiều lúc cũng có thi vị của nó. Vừa lái tôi vừa nghĩ đến những con thằn lằn chọn nghiệp.

Thời gian lại trôi theo vận tốc riêng nó. Công việc và đời sống của tôi lúc lên lúc xuống theo đúng nghĩa phần số kiếp người. Thỉnh thoảng, tôi rì mò ra vài bài thơ, thẩy cho những báo trên trời. Từng những lần viết, tôi tránh đề cập đến chính trị vì đụng đến sẽ có ngộ nhận. Dẫu vậy, tôi vẫn đinh ninh khi thành phố đổi tên lại thành "Sàigòn" thì tôi sẽ về. Nhưng, lại nhưng!, theo kinh nghiệm, đừng bao giờ nghĩ những chuyện không bao giờ xẩy ra sẽ không xẩy ra. Đùng một cái, tôi có dịp trở lại Sàigòn sau hơn phần tư thế kỷ sống nơi hải ngoại. Dù công việc bề bộn và thời gian quá eo hẹp tôi cũng sắp xếp để vào Sàigòn thăm anh chị tôi. Anh chị tôi đỡ cực nhọc nhiều khi những đứa con, đứa cháu đã lớn, đã có gia đình, đã thành tài, thành nhân. Mẹ tôi, tôi biết rất vui khi thấy con cháu đầy đàn, yên ổn, hiếu thảo và, làm nên như vậy. Căn nhà xưa thì không còn nữa, để tôi ngậm ngùi:

" về trong hờ hững câu chào
hỏi người hàng xóm lối vào nhà xưa
âm thầm cây phủ rừng thưa
dăm ao nước đục rặng dừa thân quen

ngó quanh xóm đã lên đèn
bước lên thềm cũ đêm giăng bốn bề
ngày đi không dám hẹn về
ngày về bỏ rớt câu thề phôi phai

nhà xưa đã vắng mắt ai
chỉ còn bụi ớt so vai đứng chào
ngồi châm thêm dĩa dầu hao
bóng xiêu vách đất lòng chao đảo buồn

chợt nghe tiếng dế thân thương
ngó ra đụng đám mù sương mịt mù
đàn bù rầy vẫn hình như
thay nhau cõng những giọng ru mẹ già

chợt nghe tiếng động quanh nhà
hỏi ai ? gió bảo: đời là hư không
nhà xưa người nhớ người mong
nhà nay cũng có người trông người chờ"

Nhà anh tôi cách nhà xưa không xa. Lũ tôi gặp nhau mừng vui chan hòa. Anh tôi tóc đã bạc đã thưa bên tóc tôi không còn xanh nữa. Nhìn bàn thờ với hình ảnh song thân, dẫu dặn mình con trai, tôi vẫn không ngăn giòng lệ. Nhìn qua bàn thờ bên kia, qua màn lệ tôi thấy tượng ông Phật ngày xưa. Loáng thoáng nghe anh nói nhanh với người vợ đang vội vã nấu bữa ăn đãi khách "Thôi tụi anh ra chùa thăm Ba Mẹ ..mày xong chưa? em ở nhà lo cơm, chút tụi anh về". Tôi lễnh mểnh theo anh đi, bóng anh và tôi đổ dài trên con đường cũ như những ngày hai anh em tôi mới lớn.

(viết sau ngày phật đản, 2005)
Song Vinh

Friday, May 27, 2005

Labels: 0 comments

theo tiếng gọi người

ngày theo đôi vai mỏi
trưa vẽ tiếp nỗi buồn
không ai cười ai nói
người bỏ người vào khuôn

đèn vàng thương phận lá
bay về cõi bao dung
đèn xanh giòng xe lạ
theo nhau cõi vô cùng

người đi lòng cỏ dại
tìm phố chật nương thân
hành trang lần kiểm lại
đắt đỏ giấc mơ gần

ngày trôi ngày trôi mãi
đếm được mấy lần vui
cuộc cờ khi ngoảnh lại
đâu đây tiếng ngậm ngùi

ai về thăm phố nhớ
xin gởi mãi cho nhau
chút thân thương ngày đó
thêm đẹp phố không mầu

dấu yêu xin tạ lỗi
chim bay mãi xa bờ
nắng mưa quen thăm hỏi
từ đó ta làm thơ

Song Vinh

Wednesday, May 25, 2005

  • Ba mươi năm, nhiều thế hệ đã trưởng thành. Chiến tranh chỉ còn đọng nơi ký ức, ký ức mịt mù của người ra đi, ký ức đậm mầu của kẻ ở lại. Thời gian không chờ ai. Cạnh níu kéo thời gian vẫn vụt trôi, trôi mãi. Những bài nhạc, bài thơ về một thời đạn bom lịm dần theo thời gian. Không phải tuổi trung niên, những người trẻ của 1975 chưa biết đã có khái niệm về chiến tranh hay không. "Người tình già trên đầu non" là tên mà một tờ báo đã dành để nói tới một người nhạc sĩ lão thành đã quyết định về sống hẳn ở VN. Từ chốn tự do trở về một nơi phải có thẻ công dân mới được lên sân khấu hát, phải xin phép bài nào mới được hát bài đó thì khó thể nào thông cảm cho một sự trở về.
  • Bức điện thư của người không quen nhưng cùng sở gởi hôm qua cho tất cả không hẹn mà gặp trùng với những giòng biên trong blog dưới này. Vào sở buổi sáng thêm được ngày vui khi đọc nhiều, thật nhiều người đã mở đọc email đó mới biết mà vào ký tên. Cạnh đó 1 hay 2 email khẽ dặn: "sao lợi dụng email của hãng mà làm việc riêng". Rồi, trong hộp thư riêng của tôi: "lộn rồi, chỉ có 500 người sẽ được cứu xét mà sao lại nói cả ngàn người" .. Bạn ơi, những việc làm như vậy mà, buộc lòng, phải dùng đồ của hãng, lỡ phải bị đuổi; tôi cũng làm. Và, nếu ký tên mà giúp được 1 người nơi trại tị nạn đó; tôi cũng sẽ ký.

Wednesday, May 18, 2005

Labels: 0 comments

là trong lần nghĩ, vậy thôi

tôi viết cho em quanh từng nhung nhớ
trở về tim đan giọt nhói riêng mang
tôi viết cho em khoảnh không vừa có
lẫn lộn hoài từng phố ngắn lang thang

tôi viết cho em mưa ngày trở gió
dột nỗi lòng ẩm mục tuổi mất tên
tôi viết cho em đóa hoa quen nhớ
nhớ thật gần hương ngát tuổi bình yên

tôi viết cho em ấm từng khung nhỏ
của nỗi chờ nỗi đợi nỗi bâng khuâng
nỗi hôm nay, nỗi ngày tới; hững hờ
mười ngón mỏi, mòn trên bàn chữ chật

tôi viết cho em gởi về hư ảo
soi cội nguồn chợt thấy chỉ mình thôi
con chữ rối tóc em bay theo áo
chớp mắt này tro bụi mảnh đời trôi

Song Vinh

Sunday, May 8, 2005

Labels: 0 comments

chông chênh buổi chiều
không gió


mẹ về
cõi nhớ
trong tim
buồn trên năm tháng
nỗi niềm
mồ côi
tiếng xưa chìm
giữ
bờ môi
tương lai mang
dĩ vãng
trôi
theo ngày

ở quen
phố
chật nhiều mây
giọt đời đọng mãi đôi tay
hao gầy
tiếng đêm chạm
tuổi thơ ngây
tiếng ngày
chạm tiếng
lòng
lây lất
buồn

mẹ về
nồng ấm
cô đơn
cơn mơ trở thật
nỗi còn nỗi vơi
giận đời
bầy những ngày vui
giận tôi
bầy những lần ngồi thở than

Song Vinh

Monday, May 2, 2005

  • Chuyến bay từ Bentonville thẩy người phố chật về bơ phờ. Như tình cờ 30 năm sau, lại trở về gần Forth Chaffee. Khoảng cách 1 giờ lái xe từ hotel mà nhẩm lại không đủ thời gian, đành buông xuôi. Mà, có đi được đến Forth Chaffee cũng chẳng biết đâu mà mò. Không còn ai người quen, đàn bò bỗng thấy buồn và làm lần về gần vẫn chưa về thêm.
  • Sáng thứ bẩy kiểm email sau hơn tuần đi vắng. Bạn nhắn: "chiều thứ bẩy, tổ chức, 5 giờ, trước quốc hội. Cuộc diễn hành. Không phải biểu tình. Có đi nhớ gọi, chi tiết ở link này ..". Nghĩ đến đọan đường dài, ngại. Nửa muốn, nửa muốn đừng. Lưỡng lự. Đồng hồ chỉ gần 8 giờ sáng.. Nếu ai cũng chần chừ như vầy thì làm sao họ khá được. Thế là lo vội vài việc. Thêm đôi món cần dùng vào vali, vài lon nước, tấm bản đồ. Cắt vội cỏ đã cao lều khều. Có lẽ, đã, đánh thức nhiều hàng xóm.
  • Hơn 10 giờ mới ra tới xa lộ. Chưa phần ba đường đã phải nghỉ hai ba chặng. Qua khỏi Virginia trời mua như trút. Vậy thì coi như toi buổi diễn hành. Đã trót thì trét, cứ thế mà đi. Năm nào 30 tháng Tư thời tiết cũng xấu.
  • Xế chiều. Gần DC thời tiết dịu dần. Thêm ánh mặt trời. Phải vậy chứ ..Những gì qua đã qua. Chiến tranh tàn, hiện tại và tương lai là những đấu tranh cho tự do, cho nhân quyền của Việt Nam. Tai nạn, lại kẹt xe.
  • Bỏ khu Eden, chạy vòng ra ngõ Quốc Hội. May đủ giờ, may tìm được chỗ đậu. Hơi xa nhưng đi nhanh, nhanh lên thì cũng kịp.
  • Người tham dự đông, đến từ nhiều nơi, đông, thật đông, đến hơn hai ngàn ngưòi. Lòng rộn rã giữa những lá cờ; buồn, buồn vui lẫn lộn. Tia nắng ấm và thời tiết dịu cho buổi lễ càng theo thời gian càng hào hứng. Lất phất mưa. "Sao năm nào ngày 30 tháng tư thời tiết cũng xấu", lại lẩm bẩm nhưng có lẽ lẩm bẩm hơi hơi to .. "Tại nhiều người chết oan quá mà .." người ngồi cạnh nói lại. Một tia mắt nhìn, một sự đồng ý. Chưa bao giờ nhiều người Việt từ nhiều nơi với nhiều dị biệt cùng quy về một hướng, cùng ưu ái lẫn nhau nhiều như chiều nay. Cơn mưa lại ngừng cho chương trình tiếp tục. Phải vậy mới đúng .. Tự do và nhân quyền. Không chống ai. Chỉ tranh đấu cho nước Việt yêu dấu sẽ có một ngày được tự do, nhân quyền được tôn trọng. Sẽ hết những chuyện đau thương, đẹp như một bài ca hy vọng.
  • Màn đêm bắt đầu chập rãi buông xuống.. Vinh con được chụp chung 1 tấm hình với nữ ca sĩ Ý Lan. Cũng nhân cơ hội xin chụp chung 1 tấm làm kỷ niệm. Vui quá! Tiếng hát Ý Lan luôn mang âm điệu mời gọi, luôn mang Việt tính để người nghe bắt lại được từng kỷ niệm, từng dấu yêu làm yên ấm lòng người.

  • Quá 8 giờ khuya. Trời thêm mưa, mưa càng lúc càng nặng. Những người tham dự vẫn còn đứng lại trên nền cỏ, sũng ướt.
  • Ghé mua vài ổ bánh mì. Tối đói còn cái mà ăn. Quán để hình cái tháp Effel, rõ ràng là Ba Lê mà mười người như một cứ gọi là Ba Lẹ. Ai bảo không chịu bỏ dấu.
  • Sẵn đường vòng lại khu Eden. Chương trình nhạc ở khu này vẫn còn cao độ. Mưa tầm tã trên những chiếc dù, và rất nhiều dù. Chen chân không kịp. Thôi thì sẽ lái xe về, quyết định rồi, dẫu khuya. Thử xem có "(nếu anh) còn trẻ như năm .. trước" hay không.
  • Dẫu muộn vài tiệm còn mở cửa. Vào mua thêm ly cà phê. Qua tiệm nhạc lựa vài CDs. Xem nào .. Nghe xong 4 CDs này là sẽ về tới. Cô bán hàng nhắc khẽ .. "Mua năm tặng một" .. Vẫn mưa, "thôi, vầy được rồi.". Cô nhìn, thắc mắc..
  • Đoạn đường trở lại dài như chưa bao giờ. Mưa vẫn mưa, mưa đổ dài ba tiểu bang. 4 cái CDs không biết đủ chưa .. Phải chi nghe lời cô bán hàng mua thêm. "Một cái, một cái nữa thôi..". Nhưng 6 cái sợ sẽ đưa đến nhà rồi dẫn đi xa nữa lại phiền. Rẽ qua xa lộ 85 để biết đường về còn xa lại đầy trống vắng. Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt .. hát theo tiếng mưa đêm vắng.
  • Năm nào 30 tháng 4 thời tiết cũng xấu.

Friday, April 29, 2005

Labels: 0 comments

nơi chốn

như con sâu quằn quại trong mỏ loài chim
tôi với tháng ngày không móc nối
mỏi mệt trong vòm trời chật
tôi gói tôi vào bốn bức tường xanh

ở một nơi
có thu mây giăng phố vàng
có xuân với chim chào đón
mà vắng đi bước chân người nhí nhảnh

ở một nơi
giòng sông quẩn quanh tìm ra biển
tôi cội nguồn mê mỏi đường xa
huyền thoại người tu muộn thành tiên
tôi tu mãi thành tinh đời nhàm hơn nước lã

ở một nơi
có luyến thương treo khóe mắt
mơ làm gió lốc
bay lên, bay lên
qua sông qua núi qua rừng
tìm em
loài thú hoang miệt mài trên dãi ngân hà

ở một nơi
giòng sông sau cơn mưa tắm đỏ
có tôi ngồi
lạc lõng níu chốn xưa
nhìn nắng tắt sau bờ vực

Song Vinh

Tuesday, April 19, 2005

Khoảng 1986 nơi tôi ở, chính giữa nước Mỹ với twisters, là nơi tôi thường rêu rao "ở đây chẳng có ai quen cả, mà đến tình người cũng vắng tanh". Cho dẫu bạn bè khe khẽ đe là sẽ một ngày làm tôi lấy lại hai câu, hắc ám, đó.

Vùng đất kém nguồn lợi nuôi tôi quanh đời hạn hẹp. Thỉnh thoảng, những người Việt tha hương tình cờ trôi về chung một trường, nổi cơn thèm món ăn Việt chất nhau lên chiếc xe cũ kỹ chăm chỉ chạy khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ đến thành phố lân cận. Ở đó, có khu thương mãi người Việt. Khu này gồm một tiệm bán đồ, một tiệm bán phở, và một tiệm bán cà phê. Hai tiệm sau mở cửa hai ngày cuối tuần. Thường thì lũ tôi ghé ăn phở (phở toàn quốc, tức là toàn nước), sau đó vào mua thùng mì, chai tương ớt rồi về. Đời học sinh, thiếu tiền mà thừa thời giờ. Đêm khuya, bạn đến chơi thì luộc trứng ăn cùng mì gói. Đạm bạc mà đầy ắp tình người, dư dã thương yêu để chia sẽ cho dẫu chẳng còn ai và cũng không ai thèm nhận.

Tôi nhớ mãi ngày mưa, lạnh, cô đơn, chán đời, chán mình. Chán như cơm nguội chan nước ốc. Tôi lò mò vào tiệm tìm mua thùng mì "kôngFu". Đang lững lự giữa món này món nọ thì tiếng hát hốt hồn tôi. Dẫu tiếng hát phát từ chiếc máy cassette cũ nhưng trong sáng, thanh tao. Bài hát "Biển Nhớ" .. Bài tôi đã đàn và hát cho người yêu tôi nghe của năm 1975. Ai hát mà tiếng hát đâm ngập hồn tôi .. "Biển Nhớ" .. bài hát cũ, đã nhiều ca sĩ hát mà sao ai lại trình bày hay, khai phá quá .. Tôi quên cả lịch sự chạy vào chỗ tính tiền, lại chỗ cái máy bấm ra coi cuộn băng. Bà chủ tiệm không bỏ lỡ cơ hội kèm nụ cười tươi, nói nhẹ: "băng mới về hôm nay. Bán hết hết rồi .. chỉ sót cuộn này thôi." Chưa đã, tôi còn nhúng tôi sâu vào vũng lầy: "băng này bán bao nhiêu vậy chị?"

Để tránh mang tiếng dài giòng, tôi đã chi ra hơn $12.00 (tiền của năm 1986 khi thùng mì chỉ có $5.95) để làm chủ cuộn băng cassette "Ngọc Lan 1 - Tiếng hát Ngọc Lan". Từ đó, không có cuộn băng nào của Ngọc Lan tôi thấy mà không mua, để khi những bạn tôi đến thăm, tôi không những có mì để đãi bạn mà còn thêm được tiếng hát ru tôi (và bạn tôi) trong những ngày tha hương.

Những cuộn băng cassettes cũ đó theo ngày tháng được tôi đưa vào dạng WAV rồi burn CD để nghe. Hôm nay tình cờ soạn lại tôi cầm cuộn băng sắp được 20 tuổi mà cám cảnh thời gian. Chiếc máy cassette của tôi đã hư từ lâu. Bây giờ trên tay là nhưng cuộn băng mà không thể nào, đêm nay, tôi nghe lại được. Thôi thì giữ đó. Giữ như người bạn của tôi giữ lại những real-to-real, 8-tracks của Sàigòn trước 75, sau 30 năm chưa về.

Nhìn lại, tôi mất dịp để nghe Ngọc Lan hát trên sân khấu nhưng tôi vẫn còn tiếng hát Ngọc Lan trong tôi, trong "Biển Nhớ" nhẹ ru đêm phố chật. Nhạc của ngày xưa, của low-tech nhưng hoàn hảo. Và, so với những DVDs và CDs bây giờ, tôi vẫn cảm nhận cho dẫu kỹ thật có tiến, lối trình bày có mới nhưng vẫn còn, vẫn còn chút gì chưa toàn vẹn.

niệm khúc

có những bản nhạc buồn
mình ngồi nghe, buổi chiều mưa

cuộn băng xưa, chiếc máy cũ
đã theo gót chân tị nạn
lang thang trên đất mỹ bao la

có những bản nhạc buồn
mình nghe trong lần thu dọn
để lên đường
bỏ thành phố buồn này qua thành phố buồn khác
hành trang vài cái va li
cuộn băng, chiếc máy, tâm hồn mỏi mệt

từ ngôi trường oklahoma gió hút
về đây boston thu vàng
từ san francisco biển lạnh
về raleigh ấp ủ tình riêng

có những bản nhạc buồn
mình ngồi nghe từ chiếc máy cũ
chiếc máy, băng nhạc, cùng những bạn
trong trại tị nạn, mỗi tên một tâm hồn rũ rượi

có những bản nhạc buồn
ru mình qua đêm, cho mai đăng trình
về đâu đời luân lạc

có những bản nhạc buồn
từ chiếc máy cũ, mình gởi cho nhau
như chút quà sót lại

có những bản nhạc buồn
từ chiếc máy cũ,
đưa mình đi, đời lang bạt
giữa phố đông, người vui mà lẻ loi, buồn

có những bản nhạc buồn
từ chiếc máy cũ
ru mình hôm nay

Song Vinh


Monday, April 11, 2005

Labels: 0 comments

Thêm tháng tư

chiều nay có người nhìn mây; phố chật
mây lênh đênh. Cuộc sống, buộc ràng
mây xôn xao. Mây tụ đám, dầy
cụm mây nhỏ tách riêng tìm quên lãng

cũng nỗi xót dật dờ khoé mắt
anh hùng này sao lệ tựa nữ nhi
hay mất đi qúy báu một đời
nam hay nữ cũng tựa nhau; khi khóc

giọt nước mắt đọng, dài đời tị nạn
bao năm đi gỡ lại được chút gì
hay chỉ thoáng lạc, đường trước mặt
nhiều ngã tư đèn; đỏ thật lâu

con đường rộng quanh co về; lối chật
tháng tư này, nhớ mãi tháng tư. Kia
bao dân đi về những nước mạnh giầu
mà chủng tộc tự chia, năm xẻ bẩy
lũ vô thần ngoác miệng: Vỗ tay, reo

trong đổ nát xin ngồi. Chấp nhận
nén hương lòng cầu nguyện kẻ không may
ngọn nến tắt bên góc phòng khép cửa
tưởng nhớ người biển cả vùi thây

ngày mai tới cầu: Dân giầu. Nước mạnh
chính thể nào rồi cũng đổ xụp thôi
mong cho mau ngày nước Việt oai hùng
dù tuổi hạc cũng góp phần mún mẳn

chiều nay có người nhìn; mây phố chật
tháng tư buồn chỉ được một bài thơ
nghe nôn nao. Lòng tủi với đất, trời
châm lửa; đốt. Gởi thơ vào tro, bụi

chiều nay có người; nhìn mây phố chật

Song Vinh

Tuesday, April 5, 2005

May mắn phố có đủ bốn mùa. Người ta ca ngợi mùa Thu nhiều có lẽ vì mùa này là mùa của giã từ, của chấm dứt. Tôi, cũng không ngoại lệ, thích mùa Thu để lan man nghĩ Thu chấm dứt bằng Đông với ngày ngắn đêm dài cạnh giá băng. Mùa xuân, qua cái nhìn khác, ít được ca ngợi dẫu Xuân có nỗi hay riêng và chấm dứt bằng ngày dài đêm ngắn cạnh nóng ấm của Hè.

Những ngày đầu xuân phố chật đầy hoa. Loài hoa vàng sau cả năm nằm chờ đã rộn vươn lên trong cái lạnh nhè nhẹ của ngày nắng ấm cạnh mầu đỏ rực rỡ của Redbud. Từng cây Anh Đào khoe nụ trắng muốt cạnh những cây Ngọc Lan rực rỡ. Rồi tiếp nối là những cành hoa quân tử của hoa Dogwood. Đó là chưa kể những đoá Pansies, Climatis, Azaleas, Iris, .. Phố chật cũng rộn hơn khi đón đội banh bóng rổ North Carolina trở về sau chiến thắng đêm qua.

Mùa Xuân, trời trong với dịu hiền. Qua đêm từng cơn gió nhẹ quyện ánh trăng rực rỡ. Tôi đang gấp rút làm mau cho xong và dẹp bớt việc lại để kéo dài để được hưởng thêm mùa xuân. Vì, dường như theo thời gian, xuân phố chật càng ngày càng ngắn lại.

Friday, April 1, 2005

Labels: 0 comments

quanh giấc ngủ vừa

về đây ngày bỗng chật
mưa ướt khoảnh phố chiều
em trên bàn tay mất
chở ấm nỗi nâng niu

về đây người đã khác
không lạnh vẫn co ro
bước chân quen thói lạc
đi mãi vẫn quanh co

về đây đời trôi nổi
góp đầy tuổi luân lưu
mưa hoen giòng lệ mới
thèm mãi một chốn ngồi

về đây ngôi mộ cũ
mùi nhang nến đìu hiu
tiếng kinh đêm vừa đủ
chùng lòng khách cô liêu

về đây ngày mất nghĩa
đêm tha thiết nỗi rời
cuối đời tro bụi lấp
rong rêu mảnh tình trôi

về đây thêm kỷ niệm
rộng rãi nỗi muôn trùng
chợt thương đời cửa khép
cây nghiêng lá bao dung

về đây bình yên trải
rộng rãi cuộc tỉnh mê
thân quen lần ngoảnh lại
cho ấm tháng ngày theo

Song Vinh

Monday, February 28, 2005

Ông chủ tiệm phở "hiền như giòng sông" là biệt danh mà tôi gọi mỗi khi đến tiệm phở có một không hai của phố chật này. Tiệm bán phở duy nhất sau thời gian hưng thịnh với bốn năm chiếc bàn đầy khách buổi trưa chống cự thêm thời gian ngắn nữa giữa buổi kinh tế đi xuống cuối cùng đóng cửa. Ngoài nỗi buồn của người bạn trẻ làm cùng sở và mất đi nơi chốn để có dịp ra ngoài buổi trưa, nhất là khi đón những ngày trời trở lạnh hoặc lất phất mưa. Tôi vẫn thấy phố chật là vậy, đến rồi đi. Lòng tôi bình thường trong nỗi bình thường mênh mông của bon chen đời sống. Tôi hiểu và tôn trọng nỗi buồn của bạn tôi, nỗi hoang vắng khi mất đi hình ảnh cô gái hầu bàn xinh xinh với chiếc răng khễnh đáng yêu lúc nào cũng có nụ cười tươi khi bưng ra cho khách từng tô phở.

Sau thời gian truy hỏi tôi tìm ra được chút quà. Valentime năm nay nhằm ngày thứ hai. Tôi dúi vào tay bạn mẫu giấy ghi số điện thoại. "gọi cho L đi .. " tôi nói mà không quên được cảnh hôm nào bạn mời tôi đi ăn phở rồi bạn thúc tôi mãi để tôi phải loay hoay chờ dịp mà hỏi giúp .. "Em tên gì?". "em tên L", nàng trả lời rồi chờ câu hỏi kế. Tôi im lặng nhường phần thì bạn tôi kết thúc: "tên em vậy là đẹp".. Nàng quay vào chỗ quầy trả tiền. Tôi bận bịu cùng tô phở và bạn tôi thêm vài nét suy tư. Tuần sau, lũ tôi trở lại để thấy tiệm còn trưng bản open nhưng cảnh "bàn im hơi bên ghế ngồi" bên trong đã nói lên tất cả.

Thứ sáu là ngày cuối của bạn tôi với hãng này. Công việc mới sẽ đưa bạn tôi lên vùng đất lạnh hơn, nhiều tuyết hơn. Lũ tôi ra ngoài ăn trưa như một lời chia tay. Số người đến và đi không đều làm nhóm Việt càng lúc càng nhỏ dần, teo lại. Đi ăn trưa khỏi cần xài xe nhiều chỗ ngồi, khỏi cần đi xa kiếm tiệm ăn. Khỏi bàn, cãi nhau. Tình cảm là từng hạt bụi sót lại đâu đó trong tia nắng bất chợt xuyên ngang căn phòng của hiện tại đang lùi dần vào dĩ vãng.

Sở dĩ tôi thầm gọi ông chủ tiệm phở hiền như giòng sông vì ông lúc nào cũng từ tốn, lúc nào cũng nở nụ cười chào khi khách vừa đến cửa, lúc nào cũng ráng phụ bưng dùm cô con gái những khi tiệm đông khách. Ông nhỏ con nhưng tôi thấy cả một đại dương trong ông. Qua nhiều câu ông hỏi, mà tôi tình cờ nghe được, tôi biết ông không biết nhiều tiếng anh và có lẽ là người gốc miền quê. Nhưng hề gì khi tấm lòng và con tim là điều quan trọng nhất.

Chiều nay, tôi lang thang vào tiệm bán đồ có nhiều chi nhánh nhất nước mỹ tìm mua vài thứ cần dùng. Chợt gặp L. Sau cái gật đầu chào, tôi không thể giữ im lặng, đưa tay lấy món đồ, tìm hỏi vội .. "Tiệm đóng cửa rồi L làm gì?" .. "L di học" "học ở đâu?" "NCSU .. nhưng L chuyển trường rồi" "chuyển đi đâu?" "UC Irvine"

Lại thêm một kẻ ra đi .. Đi từ đại dương này qua đại dương khác. Tôi nhìn L .. "chừng nào L đi?" "Thứ tư tuần tới .. L qua đó ở với bà chị". Tôi cảm thấy có điểm gì bất thường trong giọng người trả lời. Lẽ ra, tôi phải chấm dứt nhưng không biết sao tôi lại hỏi thêm, dầu cố tình kín đáo .."Còn ba của L?" Dường tôi loáng thoáng nghe .. "ba L mất sau giáng sinh vài ngày..." ...

Từ giã L, tôi thì thầm chúc L qua cơn gió thổi ngược .. "L đi nhiều niềm vui, gặp nhiều may mắn nghe L". Ông chủ tiệm phở hiền như giòng sông đã ra đi, L cũng sẽ rời phố chật. Từng hạt bụi sót lại đâu đó trong tia nắng bất chợt xuyên ngang căn phòng riêng tôi. Tôi khe khẽ hát trong buổi chiều chủ nhật: "Tôi vẫn nhìn thấy em, giữa đám đông xa lạ, vì em như chim trắng, giữa trống đồng bước ra. Tôi vẫn nhìn thấy em, giữa đám đông xa lạ, vì em như hoa lá, giữa thiên nhiên hiền hòa..."

Tuesday, February 15, 2005

Vào tiệm ăn loại all u can eat, tôi thấy thiên hạ phí thức ăn nhiều qúa. Tôi vẫn luôn nhớ lời Mẹ dặn là không được phí phạm thức ăn, bất kỳ ở đâu, bất cứ thời gian nào. Dạo này nơi phố chât tiệm eat all u can có thêm món cua. Cua kiểu con to chặt ra làm đôi rồi xào mặn ngọt thì thiên hạ lấy cả dĩa đầy, ăn nửa vứt nửa, phí phạm vô cùng.

Những ngày mới lớn tôi thường hay giúp Mẹ tôi làm riêu cua. Những con cua, hay là những con còng (vì nhỏ), được làm sạch, bóc vỏ yếm, gỡ mai ra bỏ đi. Gạch trong vỏ yếm được lấy ra để riêng. Thân cua được bỏ vào chiếc nón sắt giã nhừ, sau đó hoà cua với nước, để lắng rồi gạn lấy nước ra, phần xác vỏ, bỏ đi. Như vậy trọn vẹn con cua, ngoài trừ cái mai, yếm và vỏ ngoài phải bỏ; còn lại, tất cả đều được dùng.

Lúc nấu thì bỏ cà chua, phi thơm với hành ta, nêm ít muối, tiêu, ít bột ngọt cho hợp khẩu vị, khi cà mềm thì bỏ ra. Me hoà với nước để riêng. Bắc nồi cua lên bếp, khi vừa sôi thì lẹ tay vớt bọt rồi cho cà xào vào. Bớt lửa và nấu nhỏ lửa ngay lập tức cho riêu kết lại. Khi đã kết riêu đầy thì nêm vào ít mắm tôm, nước mắm, nước me, muối... cho đậm đà. Cho ít hành băm nếu muốn rồi cho phần gạch cua vào. Nếm và nêm lần cuối với chút tiêu muối. Món này ăn với bún và rau muống chẻ, bắp chuối bào, hay giá.

Món riêu cua quyến rũ và đầy ắp tuổi thơ tôi. Chính vậy mà tôi khi nhìn những bàn ăn đầy cua nửa ăn nửa bỏ ở chỗ you all can eat là tôi chạnh nghĩ đến một nơi, mà sự dinh dưỡng là những thiếu thốn, phải có cách làm để không bỏ phí một chút gì trong thực phẩm; chợt lòng nhớ đến nồi riêu cua của ngày xưa thân ái. Tôi ước ao sẽ có một ngày, tìm được chiếc nón sắt, tìm lại những con cua con còng mầu đen, để được ăn lại riêu cua giã bằng chiếc nón sắt.

Friday, February 4, 2005

AI

Artifical Intelligence (AI) là một phim của những năm về trước. Nếu chưa có dịp xem thì nên nhín chút thời giờ xem cho biết. Steven Spielberg lúc nào cũng biết yếu điểm của khán giả mà khai thác. Cậu bé, cho dẫu bị nhân gian coi là vô nhân tính vẫn thiết tha với con tim yêu riêng mình mà đi tìm người mẹ. Cho dẫu mẹ vẫn coi mình như món đồ, có thể vứt bỏ mà không thương tâm.
Nhưng tấm lòng cậu bé ngây thơ đó, dẫu mẹ làm gì cũng chỉ là làm trong tình thưong của thiêng liêng mẫu tử. Cậu bé đã tìm, đã không bỏ cuộc để cuối cùng là đưọc một ngày để phục vụ mẹ yêu, để tròn ước nguyện. Ước nguyện nhỏ nhoi nhưng đầy ắp con tim của chiếc máy mà loài người nghĩ là lạnh cảm. Rồi sau đó, cậu bé đã thoát ra khỏi ràng buộc của con tim mà ngủ giấc ngàn thu để tìm về nơi mộng mơ cuả thiên thần với niềm an ủi là mộng mơ đã thành sự thật. Nơi chốn thiên đường đó, không có ranh giới giữa người và máy, chỉ có dung hoà trong tình yêu, trong con tim của chân thành khi dấu ái đã lên ngôi.