Sân chơi của lãng du

Monday, January 1, 2007

(tặng bằng hữu)

Vội vã ra phi trường đón chuyến bay sớm. Vội vã để kiên nhẫn đứng sắp hàng cho từng viên chức giữ an ninh khám, cho máy dò, cho ngồi lo xo bên những người ngáy ngủ chờ lên chuyến bay đầu tiên của ngày giữa đông. Chuyến bay đưa tôi tìm về thành phố New Orleans dự đám cưới ái nữ của vợ chồng nhà thơ Quan Dương. Lần về của những năm xưa đã mịt mù trong tầm nhớ cạnh bon chen đời sống cho lần về hôm nay ngắn lại, gói vừa trong vài ngày nghỉ cuối tuần. Trong trí nhớ lẫn lộn, New Orlean không phải nhịp của Jazz, của khúc đường Bourbon tràn men rượu, của lễ hội Mardi Gras đầy những cô gái không mắc cở gì khi tìm về với thiên nhiên quanh đám đông. New Orelean là góc tối của quán quá khuya cuối bờ Mississippi nhìn mình qua chiếc ly đầy cạn cạnh gã thổi kèn Saxophone mà chạnh lòng "thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ (1)". Thành phố riêng đó, thêm kỷ niệm để cứ dặn lòng phải tìm quên trên từng lần từ giã.

Điểm nối Altanta thời tiết ấm hơn với bầu trời trong vẫn không giải thích được tại sao chuyến bay bị trì hoãn lại thêm hơn tiếng đồng hồ nơi phi đạo. Đất nước với nhiều phương tiện khoa học kỹ thuật này vẫn chưa chịu cho người ta xài cell phone trong máy bay lúc chuẩn bị cất cánh. Đành chộn rộn bên đám hành khách tuy lạ nhưng chợt thông cảm nhau khi ai cũng mong mau được về chốn đến. Cuối cùng, chuyến bay già hơn 1 giờ của nhiều giờ đợi đã đưa tôi đến phi trường New Orleans. Thành phố cầu nối theo cầu rộn lên trong buổi trưa nhiều mây. Mây gói vào mây như đồng lòng theo mùa đông trùm vào ngày ngắn làm phi trường thêm âm u. Cơn rét của thành phố bỏ lại sáng này được thay bằng cơn lạnh vừa, không đủ để co ro nhưng đủ để mình biết lạnh. Chuyến đi đưa người đến muộn. Cho cùng, chậm muộn vẫn luôn là phần của riêng tôi.

Vừa ra khỏi cổng an ninh của phi trường là gặp vợ chồng Quan Dương cùng vợ chồng Hữu Việt ra đón. Vui lắm qua từng hỏi han mà quên đi dẫu đã dặn dò nhiều lần là đừng ra đón nghen! Đừng ra đón nghen! nhưng bạn vẫn có mặt với tình nồng. Nhìn nhau để biết khoảnh thời gian quá ngắn làm chia ly thấp thoáng chen vào hội ngộ. Điều đã biết từ khi lúc bắt tay nhau, khi cố tình đã giấu trong lời nói. Trái tim xa nhà ấm dần, yên ổn hơn nơi chốn về trong tình bạn. New Orleans thân thương nằm trên từng lần đùa, lời kể. Con đường vào thành phố đón tôi bằng những cây bách rũ trơ nhánh làm nhân chứng của cơn bão năm rồi, cạnh đầm lầy phủ rong rêu.

Đám cưới là ngày sau, mốt là về sớm. Ngày nay vừa đến trời đã sang chiều. Chuỗi ngày cho New Orleans không đủ nên đành vùng vẫy trong từng dự định sẽ thăm ai, nhiều; ít. Rồi, thăm bao lâu? Không lẽ đến rồi vội đi? Ở thêm thì thời gian đâu mà đủ?. Con toán chạy vòng trong nỗi bất lực khi biết thời gian là thứ mình không thể cộng nhân lên được. Thời gian, như lời nguyền của kẻ ngã ngựa làm khi nhìn lại, phải tự hỏi cuộc sống này dài hay ngắn khi trong chúng ta, ai cũng có chuỗi lê thê của bơ phờ đọng vào từng xâu của năm trôi lẹ.

New Orleans, phải nhìn tận mắt mới hiểu bị tàn phá như thế nào. Nơi chốn tôi ở, tuy bão cũng về hàng năm nhưng so với cơn bão cấp năm Katrina, chúng tôi vẫn còn may, may hơn nhiều. Trong cái rủi đôi khi cũng có cái xui, có lẽ vậy mà căn nhà của gia đình Hữu Việt bị nặng nhất khi tâm bão quét ngang làm nước tràn từ trên xuống dưới rồi vài ngày sau, tưởng đã yên thì con đê vỡ làm nước tràn từ dưới lên trên. Gia đình họ trở lại để "đứng dưới trời đổ nát (2)" nhìn kỷ niệm gầy dựng một đời tan vào lũ bùn khi đất trời trêu nhau. Từng tấm ảnh như nhân chứng làm lòng tôi chùng lại, không thể nào lĩnh hội ra trong cường quốc đứng hàng đầu với quan điểm cái gì cũng làm được mà khi đổ nát lại để xẩy ra những tàn phá ngoài sức tưởng tượng như vậy.

Bạn bè đã đến dần đủ chỉ chờ vài người đến nữa qua chuyến bay cuối ngày. Đoạn đường trở lại phi trường qua đoạn cầu dài 7 dặm đêm phủ đầy sương. Chiếc xe trôi trong khoảnh đường như trôi trong truyện thần tiên. Ước gì chiếc xe mãi mãi đi như vậy, không điểm đến cũng không điểm về. Trôi, trôi mãi về chân trời tím cho những tình nhân thủ thỉ câu hẹn thề của mong manh mong ước. Chỗ đó, họ cầm tay nhau làm những kẻ chạy đuổi trên "trùng trùng nỗi nhớ .. cơn nước về gợi sóng tình yên (3)".

Lòng phi trường mở rộng khi dáng nhà văn Thu Thuyền cùng nhà thơ Phan xuân Sinh đi ra khỏi cổng chờ. Những kỷ niệm của Dallas, của Boston từ nhiều năm xưa sống lại. Câu chào, hỏi thân thương vô cùng. Đoạn đường về, sương mù đặc hơn. Chiếc xe như đi trong cõi tiên. Tôi lái chậm lại, không quên dặn là mình không phải người lái xe giỏi, chỉ là ngưòi lái xe cẩn thận. Chăm chú dán mắt vào con đường trước mặt cùng tránh chạy song song với những xe khác, có lẽ vậy mà tôi không dự phần và chậm hụt trong câu chuyện nở vui trên đường về lại nhà Hữu Việt chăng. Nhìn sương mù trên chiếc cầu 7 dặm để hiểu nơi phố chật riêng tôi, kẹt xe là chầm chậm chạy tìm ngã rẽ để thoát khỏi xa lộ mà đi đường trong, tuy trễ nhưng cũng còn đường khác dẫn tới nhà. Ở đây, nơi cây cầu bẩy dặm này, kẹt xe thì rẽ đi đâu? Phải đến, phải nhìn mới thấm hiểu câu "chỗ này ưa kẹt xe lắm" qua cuộc điện đàm của những tháng trước mà cám cảnh gia đình ngưòi bạn thân thương của tôi vừa phải lo chuyện sửa nhà ban đêm vừa phải lo chuyện đi làm ban ngày. Đường vào "chân trời tím" của những kẻ yêu nhau, có ngã rẽ nào không hay chỉ thẳng tắp của buộc ràng tránh nhiệm quanh lề thói hằng ngày của tranh sống?

Lễ cưới tiếp đãi quan khách ở một nơi thật sang trọng. Số người đến từ khắp nơi thật đông. Cô dâu lộng lẫy bên chú rể hào hùng cạnh gia đình hai họ được gọi lên để giới thiệu đứng chật sân khấu rộng. Xóm nhà lá lúc nào cũng ồn ào. Khi nhà văn Trần Hoài Thư cầm chai rượu đến thăm thì xóm lại rộn ràng hơn. Kết quả là tác gỉa của “Đứng Dưới Trời Đổ Nát” Phan Xuân Sinh được thêm tấm ảnh có một không hai. Nhà văn Phạm Ngũ Yên bận rộn thả hồn theo một bóng hồng kiều diễm nào đó để đưa anh một nụ cười tươi, nhẩn nha mặc bạn bè đang tận tình mổ xẻ những vần thơ của nhà thơ trữ tình Phạm Ngọc.

Những dồn dập của chuyện này chuyện nọ là lẽ thường trong đời sống. Nhưng thời gian như nốt trầm của nghỉ ngơi đọng lại khi cả bọn kéo nhau về lại nhà Hữu Việt. Nhà thơ Yên Sơn vẫn tươi vui dẫu phải lái chiếc xe, không thể kiếm chỗ đậu dễ dàng, với 15 chỗ ngồi đưa nhóm bạn từ Houston vượt hơn 8 giờ cộng nhiều đêm mất ngủ. Phải chi mình có sức như vậy, tôi thầm nghĩ khi giật mình chỉnh lại tay lái. Đường về tuy gần nhưng tôi muốn kéo dài mãi để có dịp nhìn thêm những căn nhà im lìm. Chúng chết dần trong niềm nhớ, dựa nỗi thất vọng của lần hiểu chủ mình sẽ không về nữa. Chúng đứng đó, lặng lẽ nhìn nhau. Nhìn nhau như thầm dặn mà hiểu đứa nào rơi rụng sớm, đứa đó sẽ là đứa thoát nợ. Những căn nhà không người trở lại của New Orleans.

Đoạn cầu 7 dặm đêm nay bớt sương mù cho nẻo về được dễ dàng hơn. Căn nhà Hữu Việt ấm với nhiều món ăn được gia chủ cẩn thận chăm lo. Nhìn đi thấy Nhật Nguyễn chăm chút từng món ăn cẩn thận thêm bớt gia vị rồi đem tới tận bàn cho những người mới đến. Nhìn về thấy Hữu Việt vừa cắt nghĩa từng tấm ảnh vừa lo xoay dọn bàn ghế lại không quên săn sóc phần nước cho từng người, tôi biết hạnh phúc là những gì mình phải có để còn chia cho nhau. Những bài ca, những bài thơ, những mẫu chuyện được nâng cao trong yên ổn bạn bè. Có tiếng ngâm của Vĩnh Tuấn, Nguyễn Khánh Hoà, anh chị Trần Hoài Thư, anh chị Phạm Quang Tân, Yên Sơn, Phạm Ngọc, và của Thu Thuyền "Cô liêu trong nỗi ưu hoài, lòng người sống lạc loài, thê lương cùng tháng ngày (4)" vẫn đổ lệ hồn tôi, gã thanh niên mang giòng máu bắc kỳ để mà phải đưa tay giả vờ dụi mắt khi "một chị hai chị cũng như sen, khuyên nốt em trai giòng lệ sót (5)" được Kim Hà cất giọng ngâm. Còn nữa, còn những người bạn ngồi nghe. Và, vì có họ, mới có những sáng tác của hôm này.

Buổi sáng, những món ăn dọn lại vẫn ngon vô cùng. Bạn bè vẫn còn họp nữa nhưng tôi sắp làm kẻ đi về. Kỳ băng ngược cây cầu 7 dặm để trở lại phi trường hôm này sẽ chỉ có mình tôi. Sẽ không có sương mù và tôi sẽ không nhọc lòng dặn mình phải lái xe cho cẩn thận nữa. Tôi hiểu, trên nẻo về của tôi sẽ mang nhiều cái 'không" lớn lắm. Nhưng thôi, cuộc sống là những lần thi càng lúc càng khó mà mình có bổn phận phải vượt qua. Trả xe để vào lòng phi cơ, tôi nhìn xuống New Orleans lần nữa thầm chúc tất cả một ngày vui, thật vui. Lũ cây đứng chết ven đường cạnh những căn nhà bị chủ bỏ rơi thì thầm với tôi là New Orleans đang bệnh nặng, cho dẫu bề ngoài vẫn cố giữ dáng không hề gì. Ngày mai, tôi sẽ trở lại công việc thường nhật, sẽ nghĩ đến bạn bè, sẽ thèm thêm lần trở lại. Tôi biết, năm tháng sẽ làm chúng ta trôi về nhiều phía nhưng trong từng nổi trôi đó, mình sẽ vớt lại được những mảnh trăng tròn của riêng mình.

[1] thơ Quang Dũng
[2] thơ Phan Xuân Sinh
[3] thơ Nhật Nguyễn
[4] thơ Hoàng Anh Tuấn
[5] thơ Thâm Tâm

Song Vinh
(Cuối năm 2006)