Sân chơi của lãng du

Sunday, December 16, 2007

Labels: 0 comments

Bài Tình Ca Đôi Lứa

Anh viết cho em bài tình ca trong nắng
con sông già lặng lẽ cuộn nhớ thương
vì anh hiểu
ngày lên
sẽ nhớ

Anh viết cho em bài tình ca dang dở
tim anh khờ
tuổi đợi
đã xa

anh viết cho em bài tình ca buồn quá
cung điệu trầm yêu từng nốt gần nhau
lòng phố chật nuôi thêm xa lộ rộng
có gì đâu
lần bịn rịn chia xa

anh viết cho em bài tình ca bằng chữ
Việt thân yêu tà áo trắng trường xưa
thầy cô ngủ
yên thơm lòng đất
thằng học trò học mãi vẫn thêm ngu

anh viết cho em bài tình ca để lại
trên phố người
mình, thỉnh thoảng, nghĩ đến nhau
giòng sông đục
vu lan
chùa thưa khách
đón bước người xa
lạ những cuộc vui

anh viết cho em bài tình ca lạc nhịp
lòng tha hương. Đời, mạt kiếp chẳng dài đâu
con đường nhỏ ôm lời ca đã khuất
thương hai chiều
hai đứa một đơn côi

Song Vinh

Thursday, November 22, 2007

Thời gian qua lẹ. Mới đây mà gần hết năm. Blog theo con sâu lười ngủ vùi theo ngày theo tháng. Ở Bắc mỹ (US và Canada) có lễ "Tạ ơn" (aka: Thanksgiving). Với tôi (lại tôi) ngày nào cũng là ngày tạ ơn thì thêm một ngày được chính phủ bó buộc phải làm cũng thêm phần phong phú.
Theo truyền thống thì Lễ Tạ ơn thường được tổ chức với một buổi tiệc buổi tối cùng với gia đình và bạn bè tại nhà. Vì đời sống văn minh, có nghĩa là thêm bận rộn, buổi tiệc tối có thể trở thành buổi tiệc trưa nhưng vẫn còn ở tại nhà. Khác với những lễ khác như lễ Giáng sinh hay lễ Độc lập thườmg tổ chức công cộng. Và vì đời sống văn minh, muốn biết thêm về ngày lễ này thì cứ "google" là sẽ có thật nhiều tài liệu tha hồ học (hỏi) thêm.
Ở US, điểm vui của ngày lễ này là ngày sau ngày lễ, gọi là thứ Sáu đen (Black Friday), những tiệm thi nhau bán đồ giá giảm và mở cửa sớm cho thiên hạ chen nhau vừa mua vừa tạ ơn cho những may mắn có được.
Thanksgiving! Cái hay là sự biểu lộ. Hãy cảm ơn những gì mình có. Hãy nói cho những người mình yêu thương là mình yêu thương họ. Các cụ ngày xưa đã phán "lời nói không mất tìền mua" thì cũng đừng nên hà tiện (nhưng cũng đừng xài quá đáng).
Thanksgiving, hãy cảm ơn ơn trên những gì mình có, cũng nhớ cảm ơn thêm cho những gì mình không có.

Wednesday, March 14, 2007

Trở lại nhìn mảnh đất trong cõi vô lường của điện toán để thấy tháng Hai ngắn qua nhanh mà cứ lười đi lười về chả viết gì cho tháng Ba. Chần chờ nữa là tháng Tư ù về cho năm qua lẹ.
Xem nào .. Tháng Ba có nhiều những biến chuyển, nhiều những cái để nghĩ đến. Thời gian và không gian của phố chật là khởi điểm mùa xuân với những nụ hoa vàng dỡn đùa với gió, ấm trong nền trời trong của khí xuân trong lành. "Ngày xuân con én đưa thoi" của tháng vẫn nghĩ là tháng đuổi hụt theo mùa Tết, đón người về từ fương xa. Tháng Ba của những con cá lên nằm thế cho con vật, của dọn mình cho lễ phục sinh sẽ về. Lệ thường sau ngày lễ đó thì sẽ gieo những hạt giống cho mùa. Nhưng những năm kế này quả địa cầu trở mình nóng sớm nên không những làm mùa đông ngắn lại, bớt lạnh hơn mà chỉ khởi tháng Ba là đã đem được cây ra ngoài, là đã đem được hạt ra để gieo. Lại thêm muà thu lui dần để mùa trồng dài ra. Tháng Ba năm nay lại được thêm hân hạnh của đổi giờ. Tháng Ba đọng nhiều thứ lắm. Có ngày giỗ của những người thật thân, thật yêu. Có từ sinh nhật. Có từ mất. Có từ chia lìa. Có từ để từ đó tìm ra trong cái không đã đủ đầy những cái có.


ping 71.72.173.50

sinh nhật hắt hiu cây nến dở
khoảnh không mầu cơn gió sưởi đông sâu
ngày mất mẹ còn đầy trong nỗi nhớ
lỡ không về chật vật suốt đời sau

sinh nhật thắp, nền trời sao chuyển
phố chật ngồi, nghe thơ ấu về tim
hai ngôn ngữ bon chen lòng tĩnh mạch
trôi tiếng cười vào biển rộng nỗi quên

sinh nhật hỏi, thăm ngày hiện tại
có vui gì hãy trao gởi tương lai
cho giấc ngủ kéo dài thêm mộng đẹp
dẫu một lần rồi miên viễn thiên thu

sinh nhật đến, rồi đi; nhiều lắm
đưa nắng chiều đồng lõa với trăng đêm
soi lối cũ, thềm xưa, hương mưa gởi
cho tiếng lòng va chạm tuổi mông mênh

sinh nhật đủ, một lần đành trọn vẹn
cát bụi về nhưng không phải hôm nay
thành phố chật vẫn thêm người vạch lá
tìm cho mình một chốn tạm chân tu

sinh nhật cũng, viết vài câu cho trọn
đạo xứ người chơi mãi đã thành tin

Song Vinh

Tháng Ba phố chật là vậy .. Dẫu đầy ắp nhưng nhưng vẫn cô đơn vì tháng Ba nhìn mãi, tìm hoài vào từng tháng còn lại, nhìn qua những năm về sau vẫn không biết tháng Má ở đâu.

Tuesday, February 27, 2007

RIP

Tạm biệt La Sương Sương

Karaok trên youtube:

Khi Em đi còn nhớ gì nhau
Nhạc&Compose: Mai Đức Vinh
Trình bày: Thụy Long
Thơ: Song Vinh

http://www.youtube.com/watch?v=3-j1zWEsKpo

Friday, February 16, 2007

Labels: 0 comments

Tờ Ết Tết

Ta theo xuân
nỗi mong chờ
Lao đao
mùng một
Bơ phờ
mùng hai

Mùng ba:
nỗi nhớ
theo ngày
Theo năm
theo tháng
đong đầy hồn thơ

bốn phương giấc tỉnh mong
chờ
mùa đông tết vọng
lêu bêu,
lình bình

thôi thì:
mình rót cho mình
ly đầy ly cạn
tựu hình tử sinh

SongVinh

Sunday, February 11, 2007

Người mình có tập tục là 23 tháng chạp làm lễ đưa ông Táo về trời. Truyện ông Táo chắc có lẽ ai cũng biết, rồi muốn biết thêm thì sẵn Internet gõ vào google là từng hàng links sẵn sàng để đọc. Cũng tiễn ông Táo đi cho đủ lệ với từng năm trước. Năm nay ở nhà nhiều hơn so với năm ngoái nên hy vọng ông Táo có nhiều chuyện để trình cho gia đình nhỏ nhưng họ hàng đông nơi phố chật. Tiếng gọi "ông Táo" chứ ngẫm ra cũng là đại gia đình một bà hai ông. Khi tiễn họ đi rồi nhìn quanh thấy còn ông/bà "microway", "rice cooker", "oven", "toaster", "coffe maker", "grinder", ... (tạm gọi là những ông bà tùy tùng cho gọn); Nên cũng tiễn đi luôn cho công bằng . Vài ngày nữa, khi đêm trừ tịch về trong cái rét mùa đông, sẽ làm lễ đón ông bà về, rồi đón ông táo cùng những ông tùy tùng đó về; cho vui từng ngày tết.

Monday, January 1, 2007

(tặng bằng hữu)

Vội vã ra phi trường đón chuyến bay sớm. Vội vã để kiên nhẫn đứng sắp hàng cho từng viên chức giữ an ninh khám, cho máy dò, cho ngồi lo xo bên những người ngáy ngủ chờ lên chuyến bay đầu tiên của ngày giữa đông. Chuyến bay đưa tôi tìm về thành phố New Orleans dự đám cưới ái nữ của vợ chồng nhà thơ Quan Dương. Lần về của những năm xưa đã mịt mù trong tầm nhớ cạnh bon chen đời sống cho lần về hôm nay ngắn lại, gói vừa trong vài ngày nghỉ cuối tuần. Trong trí nhớ lẫn lộn, New Orlean không phải nhịp của Jazz, của khúc đường Bourbon tràn men rượu, của lễ hội Mardi Gras đầy những cô gái không mắc cở gì khi tìm về với thiên nhiên quanh đám đông. New Orelean là góc tối của quán quá khuya cuối bờ Mississippi nhìn mình qua chiếc ly đầy cạn cạnh gã thổi kèn Saxophone mà chạnh lòng "thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ (1)". Thành phố riêng đó, thêm kỷ niệm để cứ dặn lòng phải tìm quên trên từng lần từ giã.

Điểm nối Altanta thời tiết ấm hơn với bầu trời trong vẫn không giải thích được tại sao chuyến bay bị trì hoãn lại thêm hơn tiếng đồng hồ nơi phi đạo. Đất nước với nhiều phương tiện khoa học kỹ thuật này vẫn chưa chịu cho người ta xài cell phone trong máy bay lúc chuẩn bị cất cánh. Đành chộn rộn bên đám hành khách tuy lạ nhưng chợt thông cảm nhau khi ai cũng mong mau được về chốn đến. Cuối cùng, chuyến bay già hơn 1 giờ của nhiều giờ đợi đã đưa tôi đến phi trường New Orleans. Thành phố cầu nối theo cầu rộn lên trong buổi trưa nhiều mây. Mây gói vào mây như đồng lòng theo mùa đông trùm vào ngày ngắn làm phi trường thêm âm u. Cơn rét của thành phố bỏ lại sáng này được thay bằng cơn lạnh vừa, không đủ để co ro nhưng đủ để mình biết lạnh. Chuyến đi đưa người đến muộn. Cho cùng, chậm muộn vẫn luôn là phần của riêng tôi.

Vừa ra khỏi cổng an ninh của phi trường là gặp vợ chồng Quan Dương cùng vợ chồng Hữu Việt ra đón. Vui lắm qua từng hỏi han mà quên đi dẫu đã dặn dò nhiều lần là đừng ra đón nghen! Đừng ra đón nghen! nhưng bạn vẫn có mặt với tình nồng. Nhìn nhau để biết khoảnh thời gian quá ngắn làm chia ly thấp thoáng chen vào hội ngộ. Điều đã biết từ khi lúc bắt tay nhau, khi cố tình đã giấu trong lời nói. Trái tim xa nhà ấm dần, yên ổn hơn nơi chốn về trong tình bạn. New Orleans thân thương nằm trên từng lần đùa, lời kể. Con đường vào thành phố đón tôi bằng những cây bách rũ trơ nhánh làm nhân chứng của cơn bão năm rồi, cạnh đầm lầy phủ rong rêu.

Đám cưới là ngày sau, mốt là về sớm. Ngày nay vừa đến trời đã sang chiều. Chuỗi ngày cho New Orleans không đủ nên đành vùng vẫy trong từng dự định sẽ thăm ai, nhiều; ít. Rồi, thăm bao lâu? Không lẽ đến rồi vội đi? Ở thêm thì thời gian đâu mà đủ?. Con toán chạy vòng trong nỗi bất lực khi biết thời gian là thứ mình không thể cộng nhân lên được. Thời gian, như lời nguyền của kẻ ngã ngựa làm khi nhìn lại, phải tự hỏi cuộc sống này dài hay ngắn khi trong chúng ta, ai cũng có chuỗi lê thê của bơ phờ đọng vào từng xâu của năm trôi lẹ.

New Orleans, phải nhìn tận mắt mới hiểu bị tàn phá như thế nào. Nơi chốn tôi ở, tuy bão cũng về hàng năm nhưng so với cơn bão cấp năm Katrina, chúng tôi vẫn còn may, may hơn nhiều. Trong cái rủi đôi khi cũng có cái xui, có lẽ vậy mà căn nhà của gia đình Hữu Việt bị nặng nhất khi tâm bão quét ngang làm nước tràn từ trên xuống dưới rồi vài ngày sau, tưởng đã yên thì con đê vỡ làm nước tràn từ dưới lên trên. Gia đình họ trở lại để "đứng dưới trời đổ nát (2)" nhìn kỷ niệm gầy dựng một đời tan vào lũ bùn khi đất trời trêu nhau. Từng tấm ảnh như nhân chứng làm lòng tôi chùng lại, không thể nào lĩnh hội ra trong cường quốc đứng hàng đầu với quan điểm cái gì cũng làm được mà khi đổ nát lại để xẩy ra những tàn phá ngoài sức tưởng tượng như vậy.

Bạn bè đã đến dần đủ chỉ chờ vài người đến nữa qua chuyến bay cuối ngày. Đoạn đường trở lại phi trường qua đoạn cầu dài 7 dặm đêm phủ đầy sương. Chiếc xe trôi trong khoảnh đường như trôi trong truyện thần tiên. Ước gì chiếc xe mãi mãi đi như vậy, không điểm đến cũng không điểm về. Trôi, trôi mãi về chân trời tím cho những tình nhân thủ thỉ câu hẹn thề của mong manh mong ước. Chỗ đó, họ cầm tay nhau làm những kẻ chạy đuổi trên "trùng trùng nỗi nhớ .. cơn nước về gợi sóng tình yên (3)".

Lòng phi trường mở rộng khi dáng nhà văn Thu Thuyền cùng nhà thơ Phan xuân Sinh đi ra khỏi cổng chờ. Những kỷ niệm của Dallas, của Boston từ nhiều năm xưa sống lại. Câu chào, hỏi thân thương vô cùng. Đoạn đường về, sương mù đặc hơn. Chiếc xe như đi trong cõi tiên. Tôi lái chậm lại, không quên dặn là mình không phải người lái xe giỏi, chỉ là ngưòi lái xe cẩn thận. Chăm chú dán mắt vào con đường trước mặt cùng tránh chạy song song với những xe khác, có lẽ vậy mà tôi không dự phần và chậm hụt trong câu chuyện nở vui trên đường về lại nhà Hữu Việt chăng. Nhìn sương mù trên chiếc cầu 7 dặm để hiểu nơi phố chật riêng tôi, kẹt xe là chầm chậm chạy tìm ngã rẽ để thoát khỏi xa lộ mà đi đường trong, tuy trễ nhưng cũng còn đường khác dẫn tới nhà. Ở đây, nơi cây cầu bẩy dặm này, kẹt xe thì rẽ đi đâu? Phải đến, phải nhìn mới thấm hiểu câu "chỗ này ưa kẹt xe lắm" qua cuộc điện đàm của những tháng trước mà cám cảnh gia đình ngưòi bạn thân thương của tôi vừa phải lo chuyện sửa nhà ban đêm vừa phải lo chuyện đi làm ban ngày. Đường vào "chân trời tím" của những kẻ yêu nhau, có ngã rẽ nào không hay chỉ thẳng tắp của buộc ràng tránh nhiệm quanh lề thói hằng ngày của tranh sống?

Lễ cưới tiếp đãi quan khách ở một nơi thật sang trọng. Số người đến từ khắp nơi thật đông. Cô dâu lộng lẫy bên chú rể hào hùng cạnh gia đình hai họ được gọi lên để giới thiệu đứng chật sân khấu rộng. Xóm nhà lá lúc nào cũng ồn ào. Khi nhà văn Trần Hoài Thư cầm chai rượu đến thăm thì xóm lại rộn ràng hơn. Kết quả là tác gỉa của “Đứng Dưới Trời Đổ Nát” Phan Xuân Sinh được thêm tấm ảnh có một không hai. Nhà văn Phạm Ngũ Yên bận rộn thả hồn theo một bóng hồng kiều diễm nào đó để đưa anh một nụ cười tươi, nhẩn nha mặc bạn bè đang tận tình mổ xẻ những vần thơ của nhà thơ trữ tình Phạm Ngọc.

Những dồn dập của chuyện này chuyện nọ là lẽ thường trong đời sống. Nhưng thời gian như nốt trầm của nghỉ ngơi đọng lại khi cả bọn kéo nhau về lại nhà Hữu Việt. Nhà thơ Yên Sơn vẫn tươi vui dẫu phải lái chiếc xe, không thể kiếm chỗ đậu dễ dàng, với 15 chỗ ngồi đưa nhóm bạn từ Houston vượt hơn 8 giờ cộng nhiều đêm mất ngủ. Phải chi mình có sức như vậy, tôi thầm nghĩ khi giật mình chỉnh lại tay lái. Đường về tuy gần nhưng tôi muốn kéo dài mãi để có dịp nhìn thêm những căn nhà im lìm. Chúng chết dần trong niềm nhớ, dựa nỗi thất vọng của lần hiểu chủ mình sẽ không về nữa. Chúng đứng đó, lặng lẽ nhìn nhau. Nhìn nhau như thầm dặn mà hiểu đứa nào rơi rụng sớm, đứa đó sẽ là đứa thoát nợ. Những căn nhà không người trở lại của New Orleans.

Đoạn cầu 7 dặm đêm nay bớt sương mù cho nẻo về được dễ dàng hơn. Căn nhà Hữu Việt ấm với nhiều món ăn được gia chủ cẩn thận chăm lo. Nhìn đi thấy Nhật Nguyễn chăm chút từng món ăn cẩn thận thêm bớt gia vị rồi đem tới tận bàn cho những người mới đến. Nhìn về thấy Hữu Việt vừa cắt nghĩa từng tấm ảnh vừa lo xoay dọn bàn ghế lại không quên săn sóc phần nước cho từng người, tôi biết hạnh phúc là những gì mình phải có để còn chia cho nhau. Những bài ca, những bài thơ, những mẫu chuyện được nâng cao trong yên ổn bạn bè. Có tiếng ngâm của Vĩnh Tuấn, Nguyễn Khánh Hoà, anh chị Trần Hoài Thư, anh chị Phạm Quang Tân, Yên Sơn, Phạm Ngọc, và của Thu Thuyền "Cô liêu trong nỗi ưu hoài, lòng người sống lạc loài, thê lương cùng tháng ngày (4)" vẫn đổ lệ hồn tôi, gã thanh niên mang giòng máu bắc kỳ để mà phải đưa tay giả vờ dụi mắt khi "một chị hai chị cũng như sen, khuyên nốt em trai giòng lệ sót (5)" được Kim Hà cất giọng ngâm. Còn nữa, còn những người bạn ngồi nghe. Và, vì có họ, mới có những sáng tác của hôm này.

Buổi sáng, những món ăn dọn lại vẫn ngon vô cùng. Bạn bè vẫn còn họp nữa nhưng tôi sắp làm kẻ đi về. Kỳ băng ngược cây cầu 7 dặm để trở lại phi trường hôm này sẽ chỉ có mình tôi. Sẽ không có sương mù và tôi sẽ không nhọc lòng dặn mình phải lái xe cho cẩn thận nữa. Tôi hiểu, trên nẻo về của tôi sẽ mang nhiều cái 'không" lớn lắm. Nhưng thôi, cuộc sống là những lần thi càng lúc càng khó mà mình có bổn phận phải vượt qua. Trả xe để vào lòng phi cơ, tôi nhìn xuống New Orleans lần nữa thầm chúc tất cả một ngày vui, thật vui. Lũ cây đứng chết ven đường cạnh những căn nhà bị chủ bỏ rơi thì thầm với tôi là New Orleans đang bệnh nặng, cho dẫu bề ngoài vẫn cố giữ dáng không hề gì. Ngày mai, tôi sẽ trở lại công việc thường nhật, sẽ nghĩ đến bạn bè, sẽ thèm thêm lần trở lại. Tôi biết, năm tháng sẽ làm chúng ta trôi về nhiều phía nhưng trong từng nổi trôi đó, mình sẽ vớt lại được những mảnh trăng tròn của riêng mình.

[1] thơ Quang Dũng
[2] thơ Phan Xuân Sinh
[3] thơ Nhật Nguyễn
[4] thơ Hoàng Anh Tuấn
[5] thơ Thâm Tâm

Song Vinh
(Cuối năm 2006)